Indonesia hạn chế tiếp cận ứng dụng gửi tin nhắn Telegram

Indonesia chặn các phiên bản trên nền trang web của ứng dụng gửi tin nhắn được mã hóa Telegram, sẽ chặn hoàn toàn ứng dụng nếu trở thành diễn đàn tuyên truyền cực đoan.
(Nguồn: AP)

Indonesia cho biết đang chặn các phiên bản trên nền trang thông tin điện tử (web) của ứng dụng gửi tin nhắn được mã hóa Telegram và sẽ tiến tới chặn hoàn toàn ứng dụng nếu đây tiếp tục trở thành diễn đàn cho các tuyên truyền cực đoan và bạo lực.

Trong một tuyên bố ngày 14/7, Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia cho biết đã yêu cầu các công ty Internet tại quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới này chặn tiếp cận đến 11 địa chỉ trang điện tử của Telegram.

Tuyên bố nêu rõ đây là hành động cần thiết bởi có nhiều kênh dịch vụ của Telegram đang được sử dụng để chiêu mộ công dân Indonesia vào các nhóm phiến quân và truyền bá sự thù hận, cũng như các phương thức tiến hành tấn công, trong đó có việc chế tạo bom.

[Indonesia lo ngại các tay súng IS đang tràn sang Đông Nam Á]

Cục trưởng Cục ứng dụng tin học Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia Samuel Pangerapan cho biết cơ quan này đang chuẩn bị đóng của hoàn toàn chương trình Telegram tại Indonesia nếu như nhà phát triển ứng dụng không tiến hành chặn các nội dung bất hợp pháp.

Động thái chặn Telegram diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực chống sự cực đoan hóa đạo Hồi sau khi thành phố Marawi ở miền Nam Philippines bị phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ.

Gần 2 tháng sau cuộc tấn công đầu tiên, các lực lượng Philippines vẫn đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát thành phố.

Các chuyên gia lo ngại rằng miền Nam Philippines có thể trở thành một căn cứ mới của IS, bao gồm cả các tay súng Indonesia và Malaysia trở về từ Trung Đông khi liên quân quốc tế giải phóng các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng tại Syria và Iraq.

Cảnh sát Indonesia nêu rõ các phiến quân bị bắt giữ gần đây đã khai nhận với nhà chức trách rằng chúng liên lạc với các thành viên trong nhóm bằng Telegram, cũng như nhận lệnh và hướng dẫn tiến hành các vụ tấn công thông qua ứng dụng này.

Telegram, một ứng dụng tin nhắn miễn phí, có thể được sử dụng như một ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) hoặc trên nền web của máy tính.

Việc tin nhắn được mã hóa mạnh khiến ứng dụng này vô cùng phổ biến với những người quan ngại về sự riêng tư và trao đổi liên lạc an toàn trong thời đại kỹ thuật số.

Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến ứng dụng bị các nhóm phiến quân và các tội phạm khác lợi dụng, trong đó có Bahrun Naim - một đối tượng người Indonesia từng tham gia hoạt động khủng bố của IS bị cáo buộc âm thực hiện một số vụ tấn công trong 18 tháng qua.

Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 26/6 vừa qua cho hay thành viên của các nhóm khủng bố bí mật thường sử dụng các ứng dụng tin nhắn, trong đó nhiều nhất là ứng dụng Telegram.

Ứng dụng Telegram cũng đã được kẻ chủ mưu và thực hiện vụ khủng bố ở ga tàu điện ngầm tại Saint Peterburg, Nga ngày 3/4 sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục