Ngày 7/8, thành phố Jakarta của Indonesia đã thông báo những quy định hạn chế mới liên quan đến hoạt động vận tải của xe ôtô cá nhân nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí vốn đang trong tình trạng báo động tại thủ đô.
Với hơn 10 triệu dân, lớn gấp 3 lần số người sống tại các thị trấn lân cận, thành phố Jakarta đang phải đối mặt với lượng khí thải từ các loại phương tiện, nhà máy công nghiệp và nhà máy điện ngày một gia tăng.
Theo số liệu từ Tầm nhìn Không khí, một tổ chức đánh giá về chất lượng không khí có trụ sở tại Thụy Sĩ, vào mùa khô, Jakarta liên tục bị đứng trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Năm 2016, chính quyền thành phố đã đưa ra những quy định hạn chế đối với các phương tiện ôtô cá nhân và quản lý theo hình thức biển số "chẵn, lẻ" nhằm giảm tình trạng ách tắc giao thông tại những trục lộ chính.
Năm ngoái, chủ trương này tiếp tục được triển khai trước thời điểm diễn ra Đại hội thể thao châu Á. Cho đến ngày 7/8, chính quyền thành phố thông báo chính sách này sẽ được mở rộng sang các tuyến đường nhỏ hơn.
[Jakarta dự định làm mưa nhân tạo để giảm ô nhiễm không khí]
Quy định mới trên được đưa ra sau chỉ thị của Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan thu phí tắc đường đối với các loại ôtô kể từ năm 2020, đặt hạn mức 10 năm đối với các phương tiện lưu thông từ năm 2025, đồng thời siết chặt việc kiểm tra lượng khí thải cũng như hạn chế phát thải trong các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thành phố Jakarta cần nỗ lực hơn nữa.
Quản lý cấp cao phụ trách năng lượng và khí hậu tại Viện Tài nguyên Thế giới Indonesia, ông Almo Pradana cho rằng: "Tất cả các bước chính quyền đề ra đều có hiệu quả cải thiện chất lượng không khí, nhưng ảnh hưởng chưa đủ lớn do chưa giải quyết được vấn nạn chính."
Theo ông Pradana, Jakarta hiện không có đủ các thiết bị giám sát để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm. Ông khẳng định nếu nhìn vào đây, điều phải làm là tìm ra yếu tố khiến chất lượng không khí bị ô nhiễm, trong đó tính được bao nhiêu phần trăm từ các phương tiện vận tải, bao nhiêu từ các nhà máy công nghiệp và phát điện.
Một số tổ chức môi trường đã kiện nhà chức trách liên quan đến chất lượng không khí ngày càng xuống cấp, buộc chính phủ điều tra các nguồn phát thải./.