Indonesia ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử

Lạm phát lõi - không bao gồm thực phẩm và các loại hàng hóa do chính phủ kiểm soát - đã giảm trong 9 tháng liên tiếp tính đến tháng 12/2020 xuống còn 1,6%.
Indonesia ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/1, Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,45% trong tháng 12/2020 và 1,68% trong cả năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế và khiến sức mua giảm sút.

BPS nhấn mạnh đây là mức tăng CPI hàng năm thấp nhất trong lịch sử Indonesia và thấp hơn so với mục tiêu 2-4% do Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đặt ra hồi đầu năm vừa qua. 

Lạm phát lõi - không bao gồm thực phẩm và các loại hàng hóa do chính phủ kiểm soát - đã giảm trong 9 tháng liên tiếp tính đến tháng 12/2020 xuống còn 1,6%.

Đây là mức thấp chưa từng thấy kể từ khi BPS bắt đầu ghi nhận chỉ số này vào năm 2004, báo hiệu nhu cầu và sức mua suy yếu và được cho là sẽ làm chậm hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời gây rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.

Nhà kinh tế Wisnu Wardana của ngân hàng Danamon đánh giá: “Lạm phát lõi giảm cho thấy nhu cầu vẫn yếu. Kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020 đã không giúp đẩy lạm phát lõi tăng cao do chính phủ áp đặt các hạn chế để chống dịch chặt chẽ hơn trong dịp Giáng sinh và Năm mới.”

Chi tiêu hộ gia đình - vốn chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia - thường tăng trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát lõi trong tháng 12 đã giảm xuống còn 0,05% từ mức 0,06% trong tháng 11 năm ngoái.

[Indonesia có thể đạt tăng trưởng dương trong quý 4 năm 2020]

Các nhà kinh tế dự báo lạm phát sẽ tăng lên gần 3% trong năm 2021 và nằm trong phạm vi mục tiêu của BI trong bối cảnh các hoạt động kinh tế và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. 

Tuy nhiên, ông Wisnu cho rằng lạm phát có khả năng duy trì ở mức thấp trong quý I năm nay do các hạn chế di chuyển và sẽ bắt đầu gia tăng trong nửa cuối năm 2021 nhờ sự phục hồi kinh tế trong nước và toàn cầu, cũng như sự tăng cung tiền mặt từ các biện pháp kích thích do chính phủ và BI triển khai.

Năm 2020, BI đã mua hàng nghìn tỷ rupiah trái phiếu chính phủ nhằm giúp tài trợ cho thâm hụt ngân sách, đồng thời giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong lịch sử và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Cơ quan này cũng cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong năm nay.

Theo dự báo kinh tế mới nhất từ Oxford Economics do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) ủy nhiệm, tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi nước này rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên vào năm 2020 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998, nhưng đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Theo đó, GDP của Indonesia được dự báo sẽ giảm 2,2% vào năm 2020 và phục hồi lên mức tăng trưởng 6% vào năm 2021 bởi sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. 

Về khu vực, ICAEW dự báo GDP của Đông Nam Á sẽ giảm 4,1% vào năm 2020 trước khi tăng 6,2% vào năm 2021 do hiệu ứng cơ bản thấp, cùng với hỗ trợ tài chính và tiền tệ.

ICAEW cảnh báo tăng trưởng có thể bị hạn chế bởi các biện pháp giãn cách xã hội hơn nữa, nhưng các quốc gia có thể triển khai vắcxin nhanh chóng có thể tiếp tục giảm bớt các hạn chế.

Trong khi những bất ổn vẫn còn và hầu hết các nền kinh tế sẽ mất thời gian để phục hồi sản lượng bị mất, rủi ro đã trở nên cân bằng hơn với những tin tức tích cực gần đây về vắcxin và triển vọng lạc quan về tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong trung và dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục