Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, tại kỳ họp lần thứ 39 của Đại hội đồng UNESCO ở Paris (Pháp) ngày 8/11, Indonesia đã được bầu là Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 với 160 phiếu bầu, cao thứ ba trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng với Indonesia, trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương được bầu lần này còn có 5 nước khác gồm: Nhật Bản (166 phiếu), Ấn Độ (162), Philippines (157), Trung Quốc (155) và Bangladesh (144).
Đại sứ Indonesia tại UNESCO, tiến sỹ Hotmangaradja Pandjaitan cho biết kết quả này có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một không gian chiến lược cho Indonesia và mang lại lợi ích quốc gia, tạo điều kiện để Indonesia có cơ hội thể hiện hơn trách nhiệm trong tham gia việc ra quyết định của UNESCO.
Điều này cũng phù hợp với mức độ quan tâm của Indonesia đối với các lĩnh vực của UNESCO, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa.
Tiến sỹ Pandjaitan nhấn mạnh với vai trò Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ kỳ 2017-2021, Indonesia có thể đóng góp một cách chiến lược cho tiến trình thiết lập tiêu chuẩn của cơ quan này, mang đến cơ hội để Indonesia đóng góp vào chương trình nghị sự, xem xét các lợi ích to lớn trong phạm vi hoạt động của UNESCO, đặc biệt liên quan đến giáo dục và văn hóa.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, việc được bầu là Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021 là một thành công của Indonesia nhờ các thành tựu ngoại giao và những đóng góp trong suốt quá trình gia nhập UNESCO.
Indonesia đã đóng góp các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng cho UNESCO và đã là thành viên tích cực của Uỷ ban Di sản Thế giới (WHC) giai đoạn 2015-2019 với nhiệm vụ bảo tồn di sản thế giới.
UNESCO đã ghi nhận Indonesia có đóng góp lớn cho việc quảng bá và bảo tồn di sản thế giới và công nhận những di sản thế giới tại Indonesia như: Đền Keris, Batik, Angklung, Noken, Borobudur, Prambanan. Những điệu nhảy truyền thống Saman và Bali được công nhận là các di sản thế giới phi vật thể.
Hội đồng chấp hành UNESCO có 58 thành viên với nhiệm kỳ 4 năm. Hội đồng là cơ quan thay mặt Đại hội đồng UNESCO trong thời gian giữa hai kỳ họp, giám sát việc thực hiện chương trình hoạt động và quản lý ngân sách, duy trì quan hệ với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác thuộc Liên hợp quốc, lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng, đề nghị kết nạp thành viên mới, giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng Giám đốc đồng thời bầu Tổng Giám đốc...
Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO./.