Người phát ngôn Hiệp hội Dầu cọ Indonesia Tofan Mahdi nói rằng sản lượng dầu cọ năm nay của nước này được dự báo sẽ đạt 29 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm ngoái.
Theo ông Tofan Mahdi, tiêu thụ dầu cọ thế giới tăng trung bình 7%/năm và đây là lợi thế lớn của Indonesia - nước đã vượt qua Malaysia với sản lượng 18,9 triệu tấn để trở thành nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Dầu cọ Indonesia hy vọng với xu hướng cung-cầu hiện nay thì giá dầu cọ có thể tăng từ mức 900 USD/tấn lên hơn 1.000 USD/tấn trong quý 1 này và ngoài các thị trường tiêu thụ truyền thống như các nước Nam Á, các nước theo đạo Hồi, hay Trung Quốc, triển vọng tại thị trường các nước Liên minh châu Âu cũng rất khả quan.
Theo Cơ quan thống kê Quốc gia Indonesia (BPS), với kim ngạch xuất khẩu 21 tỷ USD/năm, dầu cọ là mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào thu nhập ngoại tệ của Indonesia trong số các sản phẩm phi dầu khí. Ngoài ra, ngành dầu cọ cũng góp phần tích cực vào giải quyết công ăn việc làm khi thu hút tới 5 triệu lao động.
Tuy nhiên, ông Tofan Mahdi lưu ý rằng việc Mỹ và Liên minh châu Âu, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các nền kinh tế thành viên APEC chưa công nhận dầu cọ của Indonesia là sản phẩm “xanh” để được hưởng thuế quan ưu đãi đã và đang ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu dầu cọ của Indonesia.
Bên cạnh đó, dầu cọ của Indonesia còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ dầu cọ của Malaysia được hưởng sự ưu đãi tốt hơn về thuế và các chính sách liên quan từ chính phủ nước này./.