Indonesia đóng băng các tài khoản liên quan đến một tổ chức Hồi giáo

Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Tài chính Indonesia đã phong tỏa 59 tài khoản ngân hàng của tổ chức này song từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về các tài khoản.
Indonesia đóng băng các tài khoản liên quan đến một tổ chức Hồi giáo ảnh 1Cảnh sát Indonesia. (Nguồn: The Wall Street Journal)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Tài chính Indonesia (PPATK) đã tạm thời đóng băng các tài khoản ngân hàng thuộc Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) - tổ chức Hồi giáo vừa bị Chính phủ Indonesia giải tán - và các nhóm liên kết với FPI do nghi ngờ rửa tiền.

Truyền thông địa phương ngày 6/1 dẫn lời đại diện của PPATK, ông Natsir Kongah cho biết động thái trên phù hợp với Luật chống rửa tiền năm 2010 và Luật năm 2013 về ngăn chặn và bài trừ các hoạt động tài trợ khủng bố.

Trao đổi với tờ Tempo, ông Natsir cho hay: "Chúng tôi đã quyết định đình chỉ mọi giao dịch và hoạt động xuất phát từ các tài khoản của FPI và các chi nhánh của tổ chức này nhằm hỗ trợ phân tích và điều tra tài chính về các giao dịch đáng ngờ, có dấu hiệu rửa tiền hoặc liên quan đến các hoạt động phạm pháp khác."

Theo ông Natsir, với tư cách là cơ quan tình báo tài chính, PPATK có thẩm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài chính ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ.

[Cảnh sát Indonesia triệt phá một hang ổ của nhóm khủng bố JAD]

Tính đến ngày 5/1, PPATK đã nhận được 59 thông báo từ các nhà cung cấp dịch vụ tài chính về việc tạm dừng các giao dịch do FPI và các nhóm liên kết với tổ chức này thực hiện.

Ông Natsir cho biết thêm rằng PPATK sẽ tiếp tục phân tích các giao dịch và chính thức bàn giao kết quả cho các cơ quan thực thi pháp luật nếu các nghi ngờ trên được xác nhận.

Cũng trong ngày 6/1, luật sư của FPI, ông Aziz Yanuar xác nhận rằng PPATK đã phong tỏa 59 tài khoản ngân hàng của tổ chức này song từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về các tài khoản.

Trước đó ngày 30/12/2020, Chính phủ Indonesia đã ban hành một nghị định liên bộ theo đó cấm mọi hoạt động của FPI với lý do giấy phép thành lập của tổ chức Hồi giáo có quan điểm cứng rắn này đã hết hạn, quy chế hoạt động mâu thuẫn với tư tưởng Pancasila của nhà nước và một số thành viên của FPI dính líu đến khủng bố.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Chính trị, Luật pháp và An ninh Mahfud MD cho biết: "Chính phủ đã cấm tất cả các hoạt động của FPI và sẽ ngừng bất kỳ sự kiện nào do FPI tổ chức vì phong trào này không còn cơ sở pháp lý, không phải là một tổ chức quần chúng hay bất kỳ một tổ chức nào khác."

Theo Bộ trưởng cao cấp này, lệnh cấm FPI đã được 6 quan chức nhà nước cấp bộ ký, bao gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền, người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia (BNPT), Cảnh sát trưởng Quốc gia, và Tổng chưởng lý.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi chính phủ đặt FPI ra ngoài vòng pháp luật, các lãnh đạo của FPI đã tuyên bố thành lập một tổ chức Hồi giáo mới mang tên Mặt trận Hồi giáo Thống nhất với tên viết tắt là FPI.

FPI được biết đến là nhóm có tư tưởng cứng rắn đã bị chính trị hóa, được dẫn dắt bởi giáo sỹ Hồi giáo Rizieq, một nhân vật gây tranh cãi trong giới chính trị gia Indonesia và đã bị bắt giữ hồi đầu tháng này.

FPI thường tổ chức đột kích bất hợp pháp nhằm vào các nhà thổ, quán bar và câu lạc bộ đêm, đặc biệt là trong tháng ăn chay Ramadan, cũng như các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số tôn giáo và bất kỳ nhóm người nào bị cáo buộc vi phạm các quy tắc Hồi giáo, trong đó có nhóm Hồi giáo Ahmadiyah, các nhóm đồng tính nữ, cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục