Indonesia đề xuất 10 giải pháp kiểm soát lạm phát tăng cao

Indonesia đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, đời sống người dân khó khăn và theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này, việc kiểm soát lạm phát được coi như vượt qua một đại dịch.
Indonesia đề xuất 10 giải pháp kiểm soát lạm phát tăng cao ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Indonesia Tito Karnavian ngày 24/10 cho biết cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Indonesia đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, đời sống người dân gặp khó khăn, song lạm phát có thể được kiểm soát khi chính quyền địa phương triển khai 10 biện pháp một cách hiệu quả.

Theo ông Tito Karnavian, đầu tiên là vấn đề kiểm soát lạm phát, hãy thực sự đặt nó là vấn đề ưu tiên. Chính quyền trung ương hiểu rằng các nhà lãnh đạo ở các khu vực khác cũng có những vấn đề tồn tại khác nhau cần phải giải quyết, nhưng vấn đề lạm phát cũng giống như vượt qua một đại dịch.

Thứ hai, đó là vấn đề truyền tải thông tin tới công chúng. Chính quyền khu vực không được phạm sai lầm trong việc truyền tải thông điệp hoặc truyền đạt thông tin vì điều đó có thể gây hoảng sợ cho người dân. Cố gắng tạo tâm lý ổn định cho người dân, thay vì để công chúng hoang mang trước các giải pháp của chính quyền.

Thứ ba, chính quyền khu vực phải kích hoạt các đội kiểm soát lạm phát khu vực ở cấp tỉnh, huyện và thành phố. Các nhóm phải cải thiện sự hợp tác, thể hiện sự nhất quán trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình và tiến hành các cuộc họp phối hợp một cách thường xuyên.

[Lo ngại giá leo thang, Indonesia cân nhắc mua dầu mỏ của Nga]

Thứ tư, thành lập đơn vị đặc biệt theo dõi giá cả hoạt động lương thực. Theo đó, đội đặc nhiệm sẽ báo cáo biến động giá lương thực và tình hình dự trữ lương thực đáp ứng nhu cầu cho người dân. Kết quả của các báo cáo sẽ được Bộ Nội vụ kiểm tra, về giá cả và tính khả dụng, đặc biệt nếu có bất kỳ vấn đề nào về phân phối.

Thứ năm, cơ quan chuyên trách ở địa phương phải giám sát việc giải ngân trợ cấp dầu nhiên liệu với sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo nguồn ngân sách của chính phủ được phân bổ một cách hiệu quả và hiệu quả.

Thứ sáu, cần có phong trào tiết kiệm điện. Chính quyền các khu vực cần thúc giục người dân sử dụng điện theo nhu cầu của họ.

Thứ bảy, thúc đẩy tăng gia sản xuất, tập trung trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, đồng thời chính phủ có chính sách khuyến khích người dân nâng cao chất lượng sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực gia đình. Việc đảm bảo ổn định lương thực nhu cầu trong nước cần sự phối hợp, chung tay của các bộ, ngành và mỗi người dân.

Thứ tám, các chính phủ khu vực cũng cần hợp tác với các khu vực khác, bao gồm cả việc đáp ứng nhu cầu đối với tất cả các mặt hàng chiến lược, trong đó các khu vực thiếu hụt có thể lấy hàng hóa từ các khu vực có dư thừa hàng hóa. Ngoài ra, hợp tác giữa các vùng cũng cần thiết liên quan đến vận chuyển phân phối hàng hóa.

Thứ chín, chính quyền địa phương cần cải thiện mạng lưới an toàn xã hội phân bổ trợ cấp xã hội cân bằng, phù hợp và đúng đối tượng thụ hưởng.

Cuối cùng, các cơ quan chuyên trách xử lý vấn đề lạm phát như Tổng cục Thống kê Indonesia và Ngân hàng nhà nước Indonesia phải thường xuyên đánh giá, công bố số liệu lạm phát của các huyện và thành phố, để người dân nắm và hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai các chính sách một cách hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục