Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày 19/11 cho biết, bà đã đệ trình đề xuất đàm phán và yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt phân biệt đối xử đối với xuất khẩu dầu cọ của Indonesia.
Bà Retno cũng cho biết, trước đó đã trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell về tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và giải quyết vấn đề phân biệt đối xử với dầu cọ Indonesia.
Bà Retno cho biết thêm, không chỉ trong lĩnh vực cọ dầu, Indonesia cũng muốn đối xử công bằng với tất cả mặt hàng hàng đầu như cà phê, chè và những thứ khác. Chính sách ngoại giao Indonesia sẽ không "im lặng" trước mọi hình thức phân biệt đối xử và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích quốc gia.
[Indonesia bắt đầu thử nghiệm dầu diesel sinh học B40]
Giá trị xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong năm 2019 đạt 23 tỷ USD. Đây là một nguồn thu nhập của các nông dân nhỏ ở Indonesia và là một trong những vấn đề hàng hóa trụ cột của nền kinh tế Indonesia.
Vài ngày trước, một thỏa thuận thương mại giữa Indonesia với Thụy Sỹ trong đó có vấn đề xuất khẩu dầu cọ từ Indonesia đang trong quá trình trưng cầu dân ý.
Theo báo cáo của Swiss Info, cuộc thăm dò ý kiến chống lại việc nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia do Hiệp hội Nông dân Thụy Sỹ (Uniterre) khởi xướng và đã thu được 59.200 chữ ký từ những cư dân ủng hộ đề xuất trưng cầu dân ý từ chối nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia.
Trong hệ thống dân chủ ở Thụy Sỹ, người dân hoặc cá nhân được phép từ chối hoặc thay đổi các quy tắc hoặc thỏa thuận do nhà nước đưa ra. Theo đó, chỉ cần thu thập được tối thiểu 50.000 người dân ủng hộ để gửi đề xuất trưng cầu dân ý.
Theo Uniterre, Chính phủ Indonesia vẫn chưa muốn áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội để ngăn chặn nạn tàn phá rừng nhiệt đới. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu và môi trường, cũng như đối với nông dân nhỏ và người dân bản địa./.