Chính phủ Indonesia đang thực hiện một cam kết mạnh mẽ nhằm cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc đơn giản hóa các thủ tục cũng như áp dụng một số chính sách ưu đãi.
Một trong những nỗ lực chiến lược là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia.
Ngày 4/2, Bộ trưởng Saleh Husin cho biết, trong ba quý của năm 2014, đầu tư của Nhật Bản tại Indonesia lên đến 2,04 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nước có đầu tư lớn vào Indonesia, sau Singapore với mức đầu tư 4,89 tỷ USD trong cùng kỳ.
Ở các ngành công nghiệp liên quan, lĩnh vực đầu tư lớn nhất của Nhật Bản vào Indonesia là công nghiệp sản xuất ôtô và thiết bị giao thông vận tải khác cùng công nghiệp kim loại với số vốn đầu tư 880,6 triệu USD; máy móc công nghiệp và thiết bị điện tử đạt 384,5 triệu USD.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Saleh Husin cho biết việc tiếp tục phát triển ngành công nghiệp cũng nhằm phục vụ chiến lược của Indonesia dự kiến tiếp tục tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn và nổi lên như một quốc gia thu nhập trung bình, mục tiêu là sánh cùng với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh nhất thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Saleh Husin khẳng định, thực hiện chính sách của Tổng thống Joko Widodo về phát triển ngành hàng hải quốc gia, Indonesia cần rất nhiều tàu thuyền các loại khác nhau.
Điều đó mở ra cơ hội kinh doanh lớn phát triển các lĩnh vực liên quan như: công nghiệp đóng tàu, cơ sở hạ tầng và một số ngành nghề khác.
Xác định khả năng lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực này, Indonesia đã mời các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào sự phát triển của ngành hàng hải ở quốc đảo.
Với mức tăng trưởng kinh tế 846 tỷ USD và dân số 240 triệu người, Indonesia là thị trường và nền kinh tế lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Indonesia dự kiến sẽ tăng lên đáng kể với mức GDP bình quân đầu người được dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2020./.