Chính phủ Indonesia trong cuộc họp cuối tuần qua do Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono chủ trì đã đặt ra một loạt mục tiêu về sản xuất nông nghiệp nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, bình ổn giá thực phẩm, tiến tới đảm bảo an ninh lương thực và chủ quyền lương thực.
Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết Tổng thống Yudhoyono đã triệu tập cuộc họp hẹp nội các để giải quyết khó khăn trước mắt là đối phó với những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, các vụ thu hoạch và giá cả lương thực thực phẩm do những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết gây ra, đồng thời giải quyết một số vấn đề liên quan đến những đòi hỏi tăng lương và tăng cường đảm bảo an sinh xã hội của người lao động trong cả nước.
Cuộc họp đã thông qua Kế hoạch hành động nhằm tăng sản lượng lương thực, tập trung vào năm mặt hàng chính là ngô, đường, gạo, đậu nành và thịt bò, trong đó sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân sẽ là chìa khóa cho việc hoàn thành các mục tiêu này.
Tổng thống Yudhoyono đã chỉ thị cho các bộ ngành và chính quyền các cấp tăng cường dành ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp để có thể đạt sản lượng 41 triệu tấn gạo trong năm tới, tăng 5% so với mức dự báo 39 triệu tấn gạo (hay 69,27 triệu tấn lúa năm 2013) và như vậy sẽ hoàn thành mục tiêu dư cung 10 triệu tấn gạo. Năm 2012, Indonesia đã đạt sản lượng 69,09 triệu tấn lúa.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia còn đặt mục tiêu tăng 18% sản lượng đậu tương, từ mức ước đạt 847.000 tấn năm năm 2013 lên hơn 1 triệu tấn năm 2014, và trong cùng kỳ nâng sản lượng ngô từ 19,39 triệu tấn lên 20 triệu tấn, cũng như tăng 35% sản lượng đường lên 3,1 triệu tấn.
Trung tâm Nghiên cứu Mía Đường Indonesia cho rằng mục tiêu về sản lượng đường của chính phủ là hết sức tham vọng, bời do các điều kiện thời tiết không thuận lợi mà sản xuất đường năm nay của nước này dự báo sẽ giảm mạnh từ 10-20%, xuống còn khoảng 2,3 triệu tấn.
Phát biểu nhân ngày Lương thực Thế giới năm nay (31/10) Tổng thống Yudhoyono đã bày tỏ tin tưởng Indonesia sẽ đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, và nhất là chủ quyền lương thực với việc sản xuất đủ lương thực đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ người dân của mình, được dự báo sẽ vượt ngưỡng 250 trệu người vào năm 2030, trong đó tầng lớp trung lưu sẽ mở rộng lên 130 triệu người.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây chính sách lương thực của Chính phủ Indonesia đã phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt trong xã hội do tình trạng phụ thuộc quá mức vào hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sự khan hiếm nguồn cung đậu tương và thịt bò đã khiến giá hai mặt hàng này tăng vọt trong tháng Chín và tháng Mười cùng với sự suy yếu của đồng nội tệ rupiah so với đồng đôla Mỹ, dẫn tới các cuộc đình công kéo dài trong ba ngày tại nhiều nơi trên cả nước.
Việc bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu của chính phủ sau đó đối với các mặt hàng như thịt bò, hành khô và ớt, tuy giúp giảm áp lực tăng giá và cải thiện nguồn cung, song giao dịch của một số các nhà nhập khẩu đã gây nghi ngờ trong công luận về sự đầu cơ trục lợi mang tính chất lợi ích nhóm./.