Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Indonesia đã thực hiện nhiều chính sách nhằm ổn định đồng nội tệ rupiah, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định hệ thống tài chính và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Phát biểu sau một cuộc họp mới đây của Ủy ban ổn định hệ thống tài chính (KSSK) cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC), Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo cho biết các chính sách trên tập trung vào 6 điểm chính.
Thứ nhất, BI đã hai lần hạ lãi suất điều hành với tổng cộng 25 điểm cơ bản xuống còn 4,5%. Theo ông Perry, mức giảm này phù hợp với dự báo lạm phát thấp và được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 3+1% nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
[Hầu hết doanh nghiệp Indonesia chỉ đủ sức cầm cự đến cuối tháng Sáu]
Tại cuộc họp hội đồng quản trị hôm 13/4, Thống đốc Perry cho biết BI quyết định duy trì lãi suất điều hành do nhận thấy cần ưu tiên chính sách lãi suất nhằm duy trì sự ổn định của đồng rupiah trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, BI khẳng định sẵn sàng cắt giảm lãi suất khi bất ổn trên thị trường tài chính bắt đầu giảm.
Thứ hai, BI đã ổn định và củng cố đồng rupiah bằng cách tăng cường can thiệp vào thị trường giao ngay, thị trường hợp đồng kỳ hạn không giao dịch và mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, nhờ dự trữ ngoại tệ tương đối lớn.
BI cũng ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
Thống đốc Perry cho hay các biện pháp bình ổn tỷ giá đã giúp tăng cường đồng rupiah, từ mức đỉnh gần 17.000 rupiah đổi 1 USD xuống dưới 15.000 rupiah đổi 1 USD hiện nay.
BI cho rằng tỷ giá hối đoái hiện tại về cơ bản được định giá thấp và sẽ ổn định trong thời gian tới.
Thứ ba, BI tiếp tục mở rộng các công cụ và giao dịch trên thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối bằng cách cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro đối với đồng rupiah thông qua các hợp đồng kỳ hạn không giao dịch, tăng cường các giao dịch hoán đổi ngoại tệ, và cung cấp thỏa thuận mua lại có kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng.
Thứ tư, BI bơm một lượng lớn thanh khoản thông qua chính sách nới lỏng định lượng vào thị trường tài chính và các ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản cho thị trường và khởi động quá trình phục hồi kinh tế quốc gia.
Tính từ đầu năm 2020, BI đã bơm khoảng 503.800 tỷ rupiah vào hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, cung cấp thêm thanh khoản cho thỏa thuận mua lại, hoán đổi ngoại tệ, và giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng đồng rupiah.
Năm là, BI thực hiện các chính sách an toàn vĩ mô nhằm khuyến khích các ngân hàng cung cấp tín dụng, thông qua việc giảm các quy định về tỷ lệ cho vay trên giá trị, tỷ lệ vĩ mô trung gian (RIM), và giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc bằng đồng rupiah - nhất là đối với các hợp đồng tín dụng xuất nhập khẩu và các khoản vay dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) - nhằm ứng phó với các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Sáu là, BI giảm bớt các ràng buộc thanh toán đối với cả hệ thống thanh toán bằng tiền mặt và phi tiền mặt nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh tế và tài chính.
Theo Thống đốc Perry, chính sách này khuyến khích khách hàng tăng cường các giao dịch phi tiền mặt, như sử dụng tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng trực tuyến và thanh toán bằng QRIS (tiêu chuẩn thanh toán QR Code quốc gia)./.