Indonesia có thể đạt mục tiêu trung hòa carbon sớm hơn 5 năm

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết với công nghệ, sự cộng tác, tinh thần của chính phủ và người dân, Indonesia có thể đạt được mục tiêu trên trước năm 2060.
Indonesia có thể đạt mục tiêu trung hòa carbon sớm hơn 5 năm ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/6, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết nước này có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2055, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của chính phủ, nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính và công nghệ.

Phát biểu bên lề hội nghị Ecosperity Week tại Singapore, Bộ trưởng Luhut bày tỏ tin tưởng rằng với công nghệ, sự cộng tác, tinh thần của chính phủ và người dân, Indonesia có thể đạt được mục tiêu trên trước năm 2060.

Hội nghị Ecosperity Week được tổ chức từ ngày 6-8/6 tại Trung tâm hội nghị Marina Bay Sands, với trọng tâm tìm kiếm các cách thức để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện Indonesia vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, song đang nỗ lực chuyển dịch bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản quan trọng để thúc đẩy sản xuất xe điện.

Bộ trưởng Luhut cho biết Indonesia có tiềm năng sản xuất khoảng 342 GW năng lượng xanh như địa nhiệt, điện gió và thủy điện, nhưng sẽ cần tài trợ để đầu tư vào lĩnh vực này. Tiềm năng này cao gần gấp 5 lần tổng công suất phát điện hiện nay của Indonesia.

Ông cũng nói rằng Indonesia đã có kế hoạch đầu tư vào năng lượng mặt trời trên đảo Rempang ở tỉnh Quần đảo Riau. Jakarta đồng thời có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp tấm pin mặt trời, cũng như sản xuất chất bán dẫn.

Chính phủ Indonesia đã hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, ngân hàng và tổ chức tài trợ để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Bộ trưởng Luhut tin rằng Jakarta có thể đạt được mục tiêu không phát thải ròng trước năm 2060. Năm ngoái, Indonesia đã đạt được 2 thỏa thuận giúp đẩy nhanh việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện than.

[G7 cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 muộn nhất vào năm 2050]

Theo thỏa thuận lớn nhất mang tên “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), các quốc gia giàu có - trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản, đã đồng ý cung cấp cho Indonesia 20 tỷ USD dưới hình thức tài trợ công và tư.

Thỏa thuận này sẽ giúp Indonesia tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và giúp người lao động trong lĩnh vực năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm chuyển đổi sang ngành năng lượng sạch, đồng thời giúp ngành điện đạt đỉnh phát thải vào năm 2030.

Trong khuôn khổ JETP, khoản tài trợ công ban đầu trị giá 10 tỷ USD sẽ được cung cấp trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm, phụ thuộc vào khả năng Indonesia đạt đỉnh phát thải và hạn chế lượng khí thải của ngành điện ở mức 290 triệu tấn vào năm 2030.

Trong khi đó, chương trình thứ hai, nằm trong Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng (ETM) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhằm thực hiện các thỏa thuận với các công ty điện lực để đàm phán các điều khoản cho việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện than.

Cuối năm 2022, một biên bản ghi nhớ về thỏa thuận ETM đầu tiên đã được ký kết tại Bali bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo đó, một nhà máy điện than có công suất 660 MW ở tỉnh Tây Java sẽ được tài trợ 250-300 triệu USD để ngừng hoạt động trước hạn từ 10-15 năm.

Indonesia là nước xuất khẩu than đá hàng đầu thế giới và hơn 60% sản lượng điện của quốc gia Đông Nam Á này được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu, vốn là nguồn phát thải CO2 lớn nhất làm nóng hành tinh.

Indonesia đã và đang phối hợp với các quốc gia giàu có, ADB và các tổ chức khác nhằm sớm dừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục