Indonesia có số ca nhiễm trong ngày cao, Philippines bị chậm vaccine

Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 211 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 52.373 ca trong tổng số 1.885.942 ca bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia ngày 7/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 10/6, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 8.892 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 26/2. 

Theo bộ trên, trong số các ca mắc mới, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.091 ca, Trung Java 1.535 ca, Tây Java 1.334 ca, Yogyakarta 455 ca và Riau 438 ca.

Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 211 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 52.373 ca trong tổng số 1.885.942 ca bệnh.

Đến nay, 1.728.914 bệnh nhân đã phục hồi. Dịch bệnh đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của nước này. 

Bộ Y tế Indonesia cho biết giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, nhắm tới hàng trăm triệu người không thuộc các đối tượng ưu tiên, sẽ bắt đầu được khởi động từ tháng 7.

Người phát ngôn Bộ trên cho biết giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng đã được tiến hành với 1,4 triệu nhân viên y tế, tiếp đó là giai đoạn 2 với 21,5 triệu người cao tuổi và 17,4 công chức, viên chức.

[Indonesia, Nga ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 3 tháng qua]

Trong giai đoạn 3, sẽ tiêm đại trà cho 141,3 triệu người trên 18 tuổi. Bộ đã quyết định sắp xếp lại chương trình tiêm chủng quốc gia cho hơn 181,5 triệu người từ 4 giai đoạn ban đầu thành 3 giai đoạn. 

Trước đó, Indonesia lên kế hoạch tiến hành tiêm chủng giai đoạn ba cho 63,9 triệu người dễ bị tổn thương xét về mặt địa lý, xã hội và kinh tế.

Giai đoạn 4 nhắm tới 77,4 triệu người còn lại, phụ thuộc vào nguồn cung vaccine.

Theo kế hoạch mới, trong giai đoạn 3 này, Bộ đặt mục tiêu đẩy nhanh tiêm chủng với một triệu liều vaccine mỗi ngày.

Mới đây Tổng thống Joko Widodo cũng hối thúc tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu tiêm 700.000 liều mỗi ngày bắt đầu từ tháng 6 và 1 triệu liều/ngày  bắt đầu từ tháng 7.

Bộ Y tế Indonesia cho biết tính đến 12h ngày 10/6, 19.211.433 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất, đạt 10,58% kế hoạch, và 11.488.917 người đã tiêm đủ hai mũi, tương đương 6,32% kế hoạch.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Navotas City, Philippines ngày 8/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Philippines, việc chậm giao vaccine đã khiến một số thành phố ở vùng thủ đô phải đóng cửa các điểm tiêm phòng, gây thêm khó khăn cho nỗ lực đẩy nhanh tốc độ miễn dịch cộng đồng.

Người phát ngôn Tổng thống, ông Harry Roque kêu gọi mọi người thông cảm, đồng thời đảm bảo "sẽ có thêm nguồn cung trong những tháng tới và mọi người sẽ được tiêm phòng."

Người đứng đầu chương trình phân phối vaccine của chính phủ, ông Carlito Galvez cho biết trong tổng số 7 triệu liều vaccine được dự kiến giao vào tháng 5, hiện chỉ có 4,5 triệu liều được giao.

Sự chậm trễ này xảy ra đúng lúc chính phủ đang dự định tiêm phòng cho khoảng 35 triệu người phải đến công ty làm việc nhằm đảm bảo ngăn chặn lây lan trong khi mở cửa nền kinh tế.

Theo kế hoạch, Philippines sẽ nhận tổng cộng 12,6 triệu liều vaccine, hầu hết từ Trung Quốc và thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục