Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 17h ngày 27/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 24.363.242 ca nhiễm COVID-19, 830.352 ca tử vong và 16.895.616 ca phục hồi.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 6.001.103 ca nhiễm COVID-19, 183.677 ca tử vong, 3.314.664 ca phục hồi. Tiếp theo là Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi.
Indonesia ghi nhận số ca mắc bệnh trong ngày cao nhất từ trước tới nay
Indonesia ngày 27/8 thông báo nước này đã có thêm 2.719 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 120 ca tử vong. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 162.884 ca, trong đó có 7.064 ca tử vong.
Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 3.249 ca mới và 97 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 205.518 và 3.234.
Hiện Philippines là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 25% số ca tử vong được ghi nhận trong 15 ngày qua.
New Zealand tăng cường ngân sách cho chiến lược tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19
Ngày 27/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết chính phủ nước này đã quyết định cấp thêm hàng trăm triệu NZD để có thể tiếp cận một cách an toàn và hiệu quả vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngay khi sản phẩm này được phân phối ra thị trường.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Ardern nêu rõ chi tiết phân bổ ngân sách từ Quỹ Ứng phó và Phục hồi COVID-19 sẽ không được tiết lộ do tính nhạy cảm thương mại có thể khiến New Zealand gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận đặt mua tốt nhất.
Đây là khoản tiền bổ sung cho số tiền 37 triệu NZD (24,5 triệu USD) mà New Zealand tuyên bố dành cho chiến lược phát triển vắcxin vào tháng 5 vừa. Trọng tâm của chiến lược này là tài trợ cho các chương trình vắcxin COVID-19 trong nước và quốc tế.
[Diễn biến dịch COVID-19 tại nhiều nước châu Á tiếp tục đáng lo ngại]
Bà Adern nhấn mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát, chính phủ nước này đã nỗ lực hết sức để loại bỏ virus, cũng như tìm cách có được vắcxin sớm nhất có thể.
Bà cho biết đã thảo luận với nhiều nhà lãnh đạo thế giới về phát triển vắcxin toàn cầu. New Zealand cũng đang hợp tác chặt chẽ với Australia để đảm bảo kết nối với tất cả quá trình phát triển, phân phối và sử dụng vắcxin.
Theo Bộ trưởng Nghiên cứu, Khoa học và Đổi mới New Zealand Megan Woods, khoản ngân sách mới sẽ đảm bảo để chính phủ nước này tiếp cận các vắcxin tiềm năng, cũng như tham gia các sáng kiến hợp tác quốc tế như COVAX Facility - một cơ chế tài chính được thiết lập để đảm bảo các công ty dược phẩm lớn cung cấp vắcxin phòng COVID-19 với giá phải chăng cho các quốc gia đang phát triển.
Bộ trưởng Woods nhấn mạnh hợp tác toàn cầu đang đóng vai trò rất quan trọng bởi chỉ cần một cộng đồng, hay một quốc gia có nguy cơ thì tất cả mọi người đều đối mặt với rủi ro.
New Zealand hiện có tổng cộng 1.702 ca nhiễm và 22 ca tử vong do COVID-19.
Hungary ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ tháng Tư
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Hungary thông báo Chánh Văn phòng Nội các nước này Gergely Gulyas đang phải cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 22/8, ông Gulyas đã tham gia một sự kiện - nơi có một người tham dự mắc COVID-19.
Kết quả xét nghiệm đầu tiên của ông Gulyas là âm tính. Nếu xét nghiệm lần hai cũng cho kết quả âm tính, ông Gulyas mới được hết cách ly và tham dự cuộc họp chính phủ, dự kiến diễn ra vào ngày 28/8.
Trong 24 giờ qua, Hungary đã ghi nhận thêm 91 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ tháng Tư vừa qua.
Tính đến nay, quốc gia châu Âu này ghi nhận tổng cộng 5,379 ca mắc COVID-19, trong đó có 614 người tử vong. Chính phủ Hungary dự kiến thảo luận các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm đang tăng cao./.