Indonesia chuyển phái bộ ngoại giao từ Afghanistan sang Pakistan

Kế hoạch ban đầu là “tiếp tục duy trì một phái bộ ngoại giao tại Kabul với một nhóm nhỏ” đã thay đổi do một “diễn biến mới” không được giải thích chi tiết.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/8, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết nước này đã chuyển cơ quan đại diện ngoại giao tại thủ đô Kabul của Afghanistan sang nước láng giềng Pakistan, sau khi hàng chục công dân nước này đã được lực lượng không quân sơ tán.

Trong phát biểu trên truyền hình tại sân bay quân sự Halim ở thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Retno cho hay tạm thời phái bộ ngoại giao tại Kabul sẽ làm việc từ Islamabad.

Kế hoạch ban đầu là “tiếp tục duy trì một phái bộ ngoại giao tại Kabul với một nhóm nhỏ” đã thay đổi do một “diễn biến mới” không được giải thích chi tiết.

Bà Retno cũng kêu gọi một “tiến trình chính trị toàn diện do Afghanistan dẫn dắt, do Afghanistan làm chủ” nhằm mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước này, đồng thời tôn trọng các quyền của phụ nữ.

Theo Ngoại trưởng Retno, bốn nhà ngoại giao Indonesia trong phái bộ đặt tại Pakistan sẽ đánh giá tình hình ở Afghanistan hàng ngày để xác định các bước tiếp theo.

Bà Retno cho hay chiến dịch sơ tán 26 công dân Indonesia, trong đó có các nhân viên Đại sứ quán và trẻ em, đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến do tình hình tại sân bay Kabul.

Cũng theo bà Retno, ngoài ra Indonesia cũng đón năm người Philippines theo đề nghị của Manila và hai người Afghanistan.

[Quốc vương Qatar và Tổng thống Mỹ điện đàm về Afghanistan]

Trong bối cảnh nhiều người Afghanistan rời bỏ đất nước chạy sang các nước láng giềng làm gia tăng lo ngại về làn sóng người tị nạn mới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20/8 đã yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) tuân thủ những thỏa thuận trong quá khứ về người di cư và người tị nạn, đồng thời hỗ trợ các nước láng giềng Afghanistan.

Trong cuộc điện đàm với ông Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Tổng thống Erdogan cho rằng số người di cư Afghanistan gia tăng có thể trở thành “một thách thức nghiêm trọng cho tất cả mọi người."

Nhắc đến thỏa thuận năm 2016 với điều khoản cho phép những người di cư vào EU có thể được gửi trả lại Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy viện trợ, ông Ergodan thúc giục các nước láng giềng “chân thành tuân thủ những cam kết của mình."

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là thời điểm EU nên viện trợ cho những nước láng giềng của Afghanistan như Iran để đối phó với làn sóng người tị nạn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục