Indonesia cấp phép sử dụng 5 loại vaccine COVID-19 để tiêm tăng cường

Phát biểu họp báo ngày 10/1, người đứng đầu BPOM Penny K Lukito cho biết các loại vaccine nêu trên có thể được sử dụng để tiêm cùng loại hoặc tiêm trộn với mũi thứ nhất và mũi thứ hai.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine Sinovac, Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Zifivax để tiêm tăng cường ngừa COVID-19.

Phát biểu họp báo ngày 10/1, người đứng đầu BPOM Penny K Lukito cho biết các loại vaccine nêu trên có thể được sử dụng để tiêm cùng loại hoặc tiêm trộn với mũi thứ nhất và mũi thứ hai.

Cụ thể, vaccine Sinovac, Pfizer, AstraZeneca được sử dụng cùng loại với vaccine mũi 1-2. Vaccine Moderna có thể sử dụng để tiêm cùng loại với vaccine mũi 1-2 hoặc tiêm trộn, trong khi Zifivax chỉ được sử dụng để tiêm trộn.

Bà Penny cho hay EUA được cấp cho 5 loại vaccine theo khuyến nghị của Ủy ban tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia (ITAGI). Một số loại khác đang được thử nghiệm lâm sàng và có thể được cấp EUA để tiêm tăng cường trong vài ngày tới.

Indonesia dự kiến sẽ khởi động chương trình tiêm chủng tăng cường ngừa COVID-19 vào ngày 12/1 tới. Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, ít nhất 244 huyện/thành phố đáp ứng các tiêu chí để tham gia chương trình, cụ thể đạt tỷ lệ bao phủ vaccine mũi một là 70% và mũi hai là 60%.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chương trình này mới hiện chỉ hướng đến các đối tượng trên 18 tuổi và đã được tiêm vaccine mũi thứ hai ít nhất 6 tháng. Bộ Y tế cho biết 21 triệu người đáp ứng các tiêu chí này để được tiêm mũi thứ ba trong tháng 1/2022.

Bộ Y tế Indonesia cũng đặt mục tiêu cung cấp vaccine tăng cường miễn phí cho 100 triệu người thông qua dịch vụ bảo hiểm y tế BPJS, trong khi 121 triệu người còn lại sẽ phải tự bỏ tiền để được tiêm vaccine mũi thứ ba.

[Philippines tiếp tục ghi nhận số mắc COVID-19 cao chưa từng thấy]

Cùng ngày, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cho biết đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho Molnupiravir, thuốc chữa trị COVID-19 do hãng dược phẩm Merck (Mỹ) sản xuất.

Tuy nhiên, người đứng đầu BPOM, bà Penny K Lukito, chưa tiết lộ chi tiết về việc cơ quan này cấp EUA cho thuốc trên vốn được đánh giá là có tác dụng làm giảm tình trạng nghiêm trọng ở các bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết thuốc Molnupiravir đã được nhập về Indonesia ngày 3/1, song trước hết với mục đích dự trữ chuẩn bị cho các đợt lây nhiễm mới.

Ngoài Molnupiravir, ông Budi còn tiết lộ Bộ Y tế nước này cũng đã đặt mua các loại thuốc chữa trị COVID-19 khác do Pfizer và Paxlovid sản xuất, được cho là có thể giảm tới 90% tỷ lệ tử vong và 70% nguy cơ phải nhập viện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục