Ngày 25/1, OJK - Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia, đã nhắc nhở các công ty tài chính không được phép cung cấp và tạo điều kiện cho việc bán tiền kỹ thuật số trong bối cảnh các giao dịch tài sản này đang bùng nổ ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Trong một tuyên bố đăng trên trang Instagram chính thức của mình, OJK cho biết cơ quan này đã nghiêm cấm các tổ chức dịch vụ tài chính sử dụng, tiếp thị hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch tài sản tiền điện tử.
Cơ quan quản lý tài chính này cảnh báo rằng giá trị các loại tài sản tiền điện tử thường biến động và những người mua tài sản kỹ thuật số cần nắm vững các rủi ro.
OJK nhấn mạnh: “Hãy cẩn thận với những cáo buộc về các vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi trong việc đầu tư vào tiền điện tử." Cảnh báo này diễn ra sau những lo ngại tương tự của các ngân hàng trung ương Thái Lan và Singapore.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, giao dịch tài sản tiền điện tử đang tăng mạnh tại Indonesia, đạt 859.000 tỷ rupiah (gần 60 tỷ USD) vào năm 2021 so với mức chỉ 60.000 tỷ rupiah vào năm 2020.
[Dòng tiền chảy khỏi thị trường tiền điện tử đạt mức cao kỷ lục]
Indonesia cho phép bán các loại tài sản tiền điện tử trên các sàn giao dịch dưới sự giám sát của Bộ Thương mại và Cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa tương lai (Bappebti). Tuy nhiên, tiền điện tử chưa được sử dụng như một phương tiện thanh toán hợp pháp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Thương mại đang xúc tiến thành lập một sàn giao dịch riêng dành cho tài sản kỹ thuật số với tên gọi “Sàn giao dịch hàng hóa tương lai kỹ thuật số”. Dự kiến, sàn giao dịch này sẽ ra mắt trong quý 1 năm nay.
Trước đó, ngày 21/1, Thứ trưởng Thương mại Jerry Sambuaga cho biết giá trị giao dịch tiền điện tử trong nước có thể tăng gấp ba lần lên mức 2,5 triệu tỷ rupiah (180 tỷ USD) trong năm nay do ngày càng có nhiều người biết đến loại tài sản kỹ thuật số này.
Theo ông Jerry, thông tin rộng rãi về các tài sản kỹ thuật số là một trong những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng đầu tư tiền điện tử. Các yếu tố khác như sự phát triển tiền điện tử và nỗ lực tích cực của các sàn giao dịch cũng đang thúc đẩy thị trường.
Số liệu của Bappebti cho thấy Indonesia có tới 11,2 triệu nhà đầu tư tiền điện tử vào năm ngoái, tăng mạnh so với mức chỉ 4 triệu người vào năm 2020 và cao hơn số lượng các nhà đầu tư chứng khoán (7,35 triệu người).
Tính đến tháng 1/2022, Indonesia có 11 nền tảng giao dịch tiền điện tử được Bappebti cấp phép. Cơ quan này cũng công nhận 229 loại tiền điện tử là hàng hóa có thể giao dịch hợp pháp./.