Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển (Balitbang) thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM) Indonesia đang tiến hành thử nghiệm đối với loại dầu diesel phối trộn 40% nhiên liệu sinh học (B40).
Phóng viên TTXVN tại Jarkata dẫn tin từ hãng thông tấn chính thức Antara cho biết, nghiên cứu trên được tiến hành sau khi Indonesia ứng dụng thành công và thương mại hóa nhiên liệu sinh học B30 kể từ ngày 1/1 vừa qua.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm độ bền 1.000 giờ đối với hai công thức nhiên liệu sinh học B40 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Dầu khí Lemigas.
Công thức thứ nhất gồm hỗn hợp 60% nhiên liệu diesel và 40% diesel sinh học FAME (axit béo Methyl Esther). Công thức thứ hai gồm hỗn hợp 60% nhiên liệu diesel, 30% Fame và 10% diesel sinh học DPME (axit béo Methyl Esther được chưng cất).
Trong một thông báo ngày 27/8, người đứng đầu Balitbang, ông Dadan Kusdiana cho hay chương trình thử nghiệm B40 này đặt mục tiêu sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Balitbang sẽ tạm thời chưa thử nghiệm thực tế B40 trên đường cao tốc như với B30 trước đây do đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Trưởng nhóm nghiên cứu B40, bà Sylvia Ayu Bethari tiết lộ rằng nghiên cứu về ứng dụng B40 đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm độ bền 1.000 giờ bằng động cơ trong phòng thí nghiệm của Lemigas.
Cũng theo bà Sylvia, phương pháp kiểm tra độ bền mà Balitbang sử dụng đã được Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Indonesia (Gaikindo) và Hiệp hội các chuyên gia năng lượng sinh học Indonesia (Ikabi) thông qua.
Hiện Balitbang đang tiến hành thử nghiệm sức bền cho 2 động cơ, trong đó động cơ đầu tiên sử dụng mẫu nhiên liệu FAME đã trải qua 370 giờ thử nghiệm. Trong khi đó, động cơ thứ hai sử dụng nhiên liệu DPME đã được thử nghiệm 615 giờ.
Chương trình nhiên liệu sinh học đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu của Chính phủ Indonesia vốn là nguyên nhân chính gây thâm hụt thương mại trầm trọng hiện nay.
Ngoài ra, chương trình này cũng sẽ mở ra thị trường tiêu thụ mới cho ngành sản xuất dầu cọ trong nước vốn đang đối mặt với nhiều thách thức tại các thị trường truyền thống như Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài B30 và B40, Indonesia đặt mục tiêu tham vọng triển khai chương trình B50 vào năm 2021 và tung ra thị trường các sản phẩm diesel sinh học gốc (B100) gồm cả nhiên liệu hàng không, vào năm 2022 hoặc năm 2023.
Theo tính toán, để chuyển sang sử dụng nhiên loại xanh, dự tính Indonesia sẽ cần khoảng 8,8 triệu ha cọ dầu. Việc triển khai chương trình B30 vào đầu năm nay được cho là sẽ giúp Indonesia tiêu thụ thêm 3 triệu tấn dầu cọ mỗi năm./.