Khoảng 7 giờ sáng 9/4, các cử tri Indonesia đã bắt đầu tới các điểm bỏ phiếu, thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân của mình để lựa chọn các đại diện trong tổng số trên 230.000 ứng cử viên của 12 đảng quốc gia, 3 đảng địa phương (dành riêng cho tỉnh tự trị Ace) và ứng cử viên độc lập vào 20.000 ghế tại cơ quan lập pháp các cấp.
Một quan chức bầu cử cho biết thời tiết xấu và trục trặc về hậu cần đã khiến cho công tác chuẩn bị tại các điểm bỏ phiếu ở 30 địa phương trên cả nước không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để tiến hành bỏ phiếu đúng thời hạn.
Trên phạm vi toàn quốc có 545.778 điểm bầu cử và số cử tri là 187 triệu người trong tổng số trên 240 triệu người dân tại Indonesia.
Các cử tri Indonesia sẽ đồng thời bỏ phiếu lựa chọn đại diện của mình vào Hội nghị Hiệp thương nhân dân (MPR), một cơ quan có chức năng như Thượng viện, cũng như vào Hội đồng đại diện khu vực (DPD) và Hạ viện (DPR).
Cuộc bầu cử lập pháp 2014 ở Indonesia, quốc gia vạn đảo với hơn 17.000 hòn đảo, là cuộc bầu cử thứ tư sau khi chế độ độc tài quân sự của tướng Soeharto sụp đổ hồi năm 1998.
Theo Luật bầu cử của Indonesia, chỉ có các đảng giành được từ 3,5% số phiếu cử tri mới được quyền có đại diện trong Quốc hội 560 ghế.
Ngoài ra, chỉ có các đảng giành được ít nhất 20% số ghế trong Quốc hội hay ít nhất 25% số phiếu cử tri mới được quyền đề cử ứng cử viên tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 9/7 tới.
Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử lập pháp ở Indonesia có thể phải sau 4-7 ngày mới được công bố chính thức. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDI-P), đảng đối lập chính, được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp lần này.
Tháng trước, PDI-P cũng đã chọn Thống đốc Jakarta Joko Widodo, một biểu tượng chính trị tại Indonesia, làm ứng cử viên tranh cử chức tổng thống./.