Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết các cuộc xung đột ở các nước Trung Đông như Iraq, Libya, Syria và Yemen đã xóa bỏ hoàn toàn "thành tựu phát triển của cả một thế hệ," dẫn tới gia tăng tình trạng đói nghèo và thất nghiệp tại khu vực này.
Bình luận nhân sự kiện ngày 16/9 IMF công bố báo cáo về thiệt hại kinh tế do các cuộc xung đột ở Trung Đông gây ra, bà Lagarde nhấn mạnh xung đột đã đẩy các nước như Iraq, Libya, Syria và Yemen rơi vào chiến tranh, "xóa bỏ thành tựu phát triển của cả một thế hệ trước đó."
Báo cáo nêu rõ trong năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria ước tính chỉ bằng 50% của năm 2010, thời điểm trước khi nổ ra cuộc xung đột. Trong khi đó, lạm phát đã tăng gần 300% vào tháng 5/2015. Yemen cũng thiệt hại từ 25- 35% GDP trong năm 2015.
Tổng Giám đốc IMF kêu gọi cộng đồng quốc tế mở rộng quy mô viện trợ phát triển dài hạn cho khu vực này để xây dựng lại cơ sở hạ tầng và các thể chế nhà nước.
Theo bà, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết giải ngân hơn 11 tỷ USD cho Syria và các nước trong khu vực từ nay tới năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế con số này sẽ không thể bù đắp được những thiệt hại to lớn mà các cuộc khủng hoảng gây ra.
Lãnh đạo IMF khẳng định các khoản viện trợ nên được triển khai dưới hình thức tài trợ và vốn vay ưu đãi để giảm bớt gánh nặng tài chính đối với các nước nhận hỗ trợ.
IMF cho biết từ giữa thế kỷ XX, khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã phải đối mặt với các cuộc xung đột thường xuyên và nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Bà Lagarde lưu ý rằng hơn 20 triệu người trong khu vực đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, 10 triệu người sang tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Đây con số đáng báo động và nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Báo cáo của IMF và những ý kiến bình luận của Tổng Giám đốc Lagarde được đưa ra ngay trước thời điểm khai mạc một hội nghị thượng đỉnh cấp cao của Liên hợp quốc vào tuần tới về người tị nạn và người di cư./.