IMF: Xung đột Hamas-Israel có nguy cơ thổi bùng lạm phát

IMF nhận định sự suy yếu tại Trung Quốc, biến đổi khí hậu, xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel là những nguyên nhân có thể gây áp lực khiến lạm phát gia tăng.
IMF: Xung đột Hamas-Israel có nguy cơ thổi bùng lạm phát ảnh 1Hoa quả được bày bán trong siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: TTXVN phát)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo những nguy cơ có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm sự suy yếu tại Trung Quốc, biến đổi khí hậu, xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel có thể gây áp lực khiến lạm phát gia tăng.

Phát biểu với Yahoo Finance, bà Petya Koeva Brooks, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của IMF, nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn khá thấp và không đồng đều, và có rất nhiều nguy cơ đối với triển vọng tăng trưởng.

Trong báo cáo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/10, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 3% trong năm nay, không thay đổi so với với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Bảy. Nhưng IMF đã hạ 0,1 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng của năm 2024 xuống 2,9%.

[ECB: Xung đột Hamas-Israel không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát]

Bà Brooks cho rằng còn quá sớm để xác định được ảnh hưởng của xung đột Hamas-Israel, nhưng IMF đang theo dõi sát diễn biến tại Israel để xem liệu tình hình xung đột này có tác động đến lạm phát toàn cầu hay không.

Dù lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, nhưng việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh do tình hình chiến sự ở Israel đang có nguy cơ thổi bùng lạm phát trở lại nếu đà tăng giá này kéo dài. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Bên cạnh đó, theo bà Brooks, một nguy cơ nữa đối với lạm phát là biến đổi khí hậu, khi tình hình này đã trở thành một vấn đề kinh tế vĩ mô.

Quan chức này cho biết đã có rất nhiều trường hợp IMF phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế do lũ lụt, hạn hán hay các sự kiện liên quan đến thời tiết. Bà cho rằng đây là một nguy cơ lớn đối với giá thực phẩm và an ninh lương thực.

Ngoài ra, IMF cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang đối phó với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

IMF đã hạ 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 5%, và giảm 0,3 điểm phần trăm trong dự báo cho năm sau xuống 4,2%.

Bà Brooks cho biết IMF tin rằng giới chức Trung Quốc có những công cụ cần thiết để ứng phó với tình hình khủng hoảng hiện nay trong lĩnh vực bất động sản. IMF kiến nghị Trung Quốc nên giải quyết tình trạng dư cung bất động sản của nước này để tháo gỡ các vấn đề trên thị trường.

IMF lưu ý tình hình căng thẳng tài chính trong lĩnh vực bất động sản có thể lan sang phần còn lại của lĩnh vực tài chính. Và nếu những lo ngại về sự ổn định tài chính tại Trung Quốc gia tăng, điều này sẽ tác động đến các nền kinh tế thị trường mới nổi khác thông qua những biến động tỷ giá và sự bất ổn trong các dòng vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục