Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ là nước đóng góp hàng đầu cho tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng đóng góp của nước này được dự báo sẽ gấp đôi Mỹ.
22,6% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2028 là từ Trung Quốc
Hãng tin Bloomberg phân tích số liệu từ báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF công bố vào tuần trước cho thấy 22,6% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2028 là từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Ấn Độ và Mỹ sẽ đóng góp lần lượt là 12,9% và 11,3% cho tăng trưởng toàn cầu cùng thời điểm trên.
Theo tính toán của IMF, 75% tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ tập trung ở 20 quốc gia và hơn một nửa trong đó đến từ 4 nước là Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Indonesia.
Trong khi đó, mức đóng góp của Nhóm các nước công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới (G7) đối với kinh tế thế giới sẽ thấp hơn.
[Infographics] Dự báo tăng trưởng năm 2023 của các nền kinh tế lớn
Đức, Nhật Bản, Anh và Pháp vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia đóng góp nhiều nhất cho kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRIC), dự kiến sẽ đóng góp gần 40% tổng tăng trưởng của kinh tế thế giới vào năm 2028.
IMF cũng đánh giá trong nửa thập kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chỉ ở mức 3%, chủ yếu do lãi suất cao tác động tiêu cực tới các hoạt động kinh doanh.
Đây là mức dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu cho giai đoạn 5 năm thấp nhất mà IMF từng đưa ra trong hơn 3 thập kỷ qua.
Thể chế tài chính đa phương này cũng kêu gọi các quốc gia tránh để xảy ra tình trạng phân mảnh kinh tế do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị và thực hiện các bước để tăng năng suất.
GDP của Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng
Theo Reuters, GDP của Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm nay nhờ dỡ bỏ những hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt.
Tân Hoa xã dẫn dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 18/4 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 1/2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với quý 4/2022, GDP Trung Quốc quý 1/2023 tăng 2,2%. Trước đó, GDP của Trung Quốc tăng 3% năm 2022 và tăng 2,9% trong quý 4/2022 tính trên cơ sở năm.
Theo NBS, trong thời gian này, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một chỉ dấu kinh tế quan trọng, cũng tăng 3%. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,5%.
Người phát ngôn NBS Fu Linghui khẳng định nền kinh tế nước này đã có sự khởi đầu thuận lợi cho năm 2023 và niềm tin thị trường cũng cải thiện đáng kể.
Thêm vào đó, Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2023 đã tăng 14,8%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 9/2022, và làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt các cuộc khủng hoảng, từ lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần cho đến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, lạm phát toàn cầu gia tăng và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ tăng 5,4% từ mức 3,0% năm 2022 và so với mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra hồi đầu năm.
Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank cho biết cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản leo thang - cùng với ngành xây dựng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc - tiếp tục đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5% trong năm nay.
Trước đó, vào ngày 13/3, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 14, Thủ tướng Lý Cường nêu rõ để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chuyển đổi tốt tổng thể của hoạt động kinh tế./.