IMF: Thương mại nội khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng với châu Á

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-TBD của IFM nhận định tâm lý chống toàn cầu hóa sẽ gia tăng do dịch COVID-19 và hoạt động thương mại nội khu vực sẽ đóng vai trò rất quan trọng với các nước châu Á.
IMF: Thương mại nội khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng với châu Á ảnh 1Ông Chang-yong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ IMF. (Nguồn: koreaherald.com)

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Tân Hoa Xã, ông Chang-yong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định tâm lý chống toàn cầu hóa sẽ gia tăng do dịch COVID-19 và hoạt động thương mại nội khu vực sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các nước châu Á.

Vì vậy ông kêu gọi các nước mở cửa thị trường với nhau hơn nữa.

Theo dự báo được công bố ngày 30/6, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng đối với kinh tế châu Á trong năm 2020 từ mức 0% đưa ra hồi tháng Tư vừa qua xuống âm 1,6%, trước tác động ngày càng gia tăng của dịch COVID-19.

Ông Rhee cho rằng châu Á phụ thuộc nặng nề vào chuỗi cung ứng toàn cầu và không thể tăng trưởng trong khi toàn thế giới đang gánh chịu thiệt hại.

Ông nhấn mạnh hoạt động thương mại ở châu Á được dự đoán sẽ giảm đáng kể do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Theo ông, vì có một thị trường nội địa rộng lớn, nên Trung Quốc có thể chuyển từ mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng lấy động lực từ nhu cầu trong nước.

Nhưng đối với các nền kinh tế nhỏ hơn ở châu Á, sự chuyển đổi như vậy có thể không phải là một giải pháp, và thay vào đó, thương mại nội khu vực sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với các nước châu Á.

[IMF điều chỉnh hạ dự báo triển vọng kinh tế châu Á do COVID-19]

Đề cập đến thực trạng thuế suất giữa các nước châu Á hiện đang cao hơn nhiều so với thuế đối với Mỹ và châu Âu, ông Rhee cho rằng các nước châu Á cần phải mở cửa thị trường với nhau hơn nữa.

Quan chức này cho rằng các hiệp định thương mại song phương, khu vực hay đa phương sẽ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh này.

Nếu không xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và với chính sách kích thích kinh tế chưa từng có như bây giờ, tăng trưởng ở châu Á được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ lên 6,6% trong năm 2021, theo dự báo mới nhất của IMF.

Tuy nhiên, ông Rhee cho rằng kể cả khi hoạt động kinh tế phục hồi nhanh chóng như vậy, thiệt hại với sản lượng kinh tế do dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài.

IMF dự đoán GDP của châu Á trong năm 2022 sẽ thấp hơn khoảng 5% so với mức dự đoán được đưa ra trước khủng hoảng và sự chênh lệch này sẽ còn lớn hơn nhiều nếu không tính đến Trung Quốc, nơi hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi.

Ông Rhee lưu ý rằng các dự báo tăng trưởng cho năm 2021 và sau đó được đưa ra trên giả thiết nhu cầu của khu vực tư nhân sẽ phục hồi mạnh mẽ, dù vẫn còn nhiều nguy cơ có thể cản trở đà phục hồi của châu Á.

Các nguy cơ này bao gồm thương mại tăng trưởng chậm hơn, các biện pháp phong tỏa kéo dài hơn, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, khả năng tài chính yếu và những căng thẳng địa chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục