IMF thông báo nợ trên toàn cầu ở mức 'cao chưa từng thấy'

Một số con số trong báo cáo của IMF gây chú ý, đó là nợ vào cuối năm 2016 là 164.000 tỷ USD, tương đương 225% GDP toàn cầu, gần một nửa số nợ tăng kể từ năm 2007 đến từ Trung Quốc.
IMF thông báo nợ trên toàn cầu ở mức 'cao chưa từng thấy' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo tài chính mới nhất được công bố trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nợ trên toàn cầu cao chưa từng có, đồng thời hối thúc các nước tranh thủ lúc tăng trưởng đang cao như hiện nay để giảm nợ trước khi sự ổn định về kinh tế và tài chính bị đe dọa nghiêm trọng.

Một số con số trong báo cáo của IMF gây chú ý: Nợ vào cuối năm 2016 là 164.000 tỷ USD, tương đương 225% GDP toàn cầu, gần một nửa số nợ tăng kể từ năm 2007 đến từ Trung Quốc, tỷ lệ nợ công/GDP ở các nền kinh tế phát triển cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Và khi lạm phát dưới kỳ vọng và tăng trưởng lương thấp, nợ danh nghĩa tăng của cả cá nhân và quốc gia là điều đáng lo ngại bởi con số nợ thực tế tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, có những lý do cho thấy nợ lớn chưa chắc đã là một mối lo ngại lớn.

Thứ nhất, việc tăng vay mượn để phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính đúng là điều mà IMF và các cơ quan tài chính toàn cầu mong muốn. Lãi suất được hạ xuống mức 0% trong một thập niên, các ngân hàng trung ương đã bơm 10.000 tỷ USD thông qua chương trình nới lỏng định lượng vào hệ thống tài chính toàn cầu và các chính phủ đã tung ra chương trình kích thích sau nhiều thập niên.

"Thuốc đắng dã tật" nên hệ thống tài chính toàn cầu nhờ đó đã vững vàng hơn so với năm 2007, kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011 và lạm phát vẫn thấp.

Trong vài năm sau năm 2008, việc nhu cầu tín dụng thấp là mối lo ngại lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách. Do đó, nhu cầu đi vay tăng cho thấy sự gia tăng lòng tin của các cá nhân và doanh nghiệp.

[Nhật Bản: Bảo hộ thương mại gây bất ổn cho các thị trường tài chính]

Thứ hai, việc nợ tăng bản thân nó cũng không phải là điều tồi tệ. Các doanh nghiệp và các chính phủ cần đi vay để hỗ trợ tăng trưởng.

Theo ông Charlie Robertson thuộc Renaissance Capital, hầu hết số nợ gia tăng là trong lĩnh vực công và việc các chính phủ vay nhiều hơn khi lãi suất ở mức thấp nhất trong một thế kỷ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Các nước đi vay bằng đồng nội tệ tránh được rủi ro tỷ giá và lạm phát dưới tác động bên ngoài.

Nhật Bản lâu nay là nước có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất thế giới, nhưng lãi suất trái phiếu lại thấp nhất thế giới. Thậm chí, Italy, dù gánh số nợ lớn thứ hai thế giới, lại được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, câu chuyện của các nước mới nổi lại khác. Các nước này thường đi vay bằng đồng USD nên thường chịu những tác động từ biến động tỷ giá, lãi suất cho vay và lãi suất trái phiếu của Mỹ.

Thứ ba, nợ tăng trong thập niên qua chủ yếu ở các thị trường mới nổi. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 43% mức gia tăng nợ trên toàn cầu kể từ năm 2007, với 21.000 tỷ USD.

Trong trường hợp Trung Quốc, tăng trưởng nợ trong lĩnh vực tư đang là một rủi ro gia tăng với các nhà đầu tư. Điều gây lo ngại là bong bóng vỡ và sẽ tác động đến các nước khác. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi trong những năm gần đây vẫn chưa xảy ra.

Nhiều nhà phân tích cho rằng dự trữ ngoại hối trên 3.000 tỷ USD của Trung Quốc là đủ lớn để đảm bảo rằng nợ trong lĩnh vực tư chỉ là mối đe dọa nhỏ đến nền kinh tế. Vào cuối năm 2007, dự trữ ngoại hối của toàn cầu ở mức 6.700 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tại các ngân hàng trung ương hiện ở mức trên 11.000 tỷ USD, chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi, là khoản dự phòng tương đối lớn.

Cuối cùng, lãi suất cho vay và lãi suất trái phiếu trên toàn cầu có thể không tăng thêm nhiều từ các mức hiện nay. Tăng trưởng kinh tế dài kỷ lục của Mỹ có thể không bứt lên mạnh và các hoạt động của thị trường tiền tệ cùng với các đường cong hoán đổi cho thấy các nhà đầu tư nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2020.

Đường cong lãi suất trái phiếu của Mỹ là thẳng nhất trong hơn một thập niên, củng cố nhận định về khả năng tăng trưởng chậm lại sắp tới. Lịch sử cho thấy đường cong đảo ngược sẽ báo trước một cuộc suy thoái.

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ ở mức dưới 3% trong bảy năm. Dù lãi suất có thể vượt mức này bất kỳ lúc nào, không có nhiều khả năng cho thấy sẽ có sự bứt phá mạnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục