Ngày 23/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo các quan chức của thể chế tài chính này đã có "các cuộc thảo luận kỹ thuật hiệu quả" với giới chức Sri Lanka về khoản vay khẩn cấp mà quốc gia Nam Á này đề nghị để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong một tuyên bố, IMF cho biết các cuộc thảo luận tập trung vào sự cần thiết của việc Sri Lanka thực hiện "một chiến lược đáng tin cậy và chặt chẽ" để khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố mạng lưới an sinh xã hội, cũng như bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trưởng phái đoàn IMF tại Sri Lanka Masahiro Nozaki nêu rõ: “IMF hoan nghênh kế hoạch của nhà chức trách (Sri Lanka) trong việc đối thoại hợp tác với các chủ nợ."
Trước đó, ngày 19/4, ông Nozaki cho biết Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã thảo luận với một phái đoàn Sri Lanka về các lựa chọn cho vay và kế hoạch chính sách.
[Quỹ Tiền tệ quốc tế nêu điều kiện thỏa thuận vay nợ với Sri Lanka]
Ông Nozaki nêu rõ: “Một chương trình hỗ trợ của IMF phải giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng về cán cân thanh toán của Sri Lanka và đưa nền kinh tế trở lại tăng trưởng bền vững càng sớm càng tốt.”
Tuần trước, chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ một chương trình tái cơ cấu nợ có trật tự và được sự đồng thuận của IMF.
Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry và tân Thống đốc Ngân hàng trung ương P. Nandalal Weerasinghe đã ở Washington (Mỹ) cả tuần qua để trao đổi với các quan chức IMF, Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ và các quốc gia khác về việc hỗ trợ tài chính cho quốc gia Nam Á đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD này.
Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng do cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có này./.