IMF nhấn mạnh việc tăng giá carbon để giảm phát thải khí nhà kính

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh thế giới mong muốn tạo ra một động lực lớn nhất có thể đối với nỗ lực của các nước trong việc đẩy nhanh quá trình khử carbon.
Khói thải bốc lên từ một nhà máy tái chế rác ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc tăng giá carbon trên thị trường mua bán và trao đổi carbon hay thị trường tín chỉ carbon sẽ là động lực hữu hiệu nhất để đẩy nhanh quá trình khử carbon.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 4/12 đã nhận định như vậy khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tổng Giám đốc IMF Georgieva nhấn mạnh thế giới mong muốn tạo ra một động lực lớn nhất có thể đối với nỗ lực của các nước trong việc đẩy nhanh quá trình khử carbon, vốn áp dụng định giá carbon. Bà nhấn mạnh giá carbon càng cao được xem là điều cần thiết để thúc đẩy quá trình khử carbon.

Trước đó, hôm 2/12, bà Georgieva cũng đã đề cập vấn đề định giá carbon tại COP28. Theo đó, Tổng giám đốc IMF kêu gọi áp dụng rộng rãi hơn việc định giá carbon như một phần của gói biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo IMF, thuế carbon là một trong những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả nhất mà các chính phủ có thể sử dụng, đặc biệt đối với các nước phát thải lớn, phù hợp với các mục tiêu về khí hậu.

Bà Georgieva cho rằng giá carbon cần phải đạt ít nhất 85 USD/tấn vào năm 2030 và là một "công cụ tuyệt vời" vì giúp giải quyết sự bất bình đẳng và tạo ra nguồn thu mà các chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu bên lề COP28, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cho rằng vẫn cần duy trì những khoản đầu tư cần thiết trong lĩnh vực hydrocarbon (thành phần chính của dầu thô) trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.

Giải thích cho điều này, Bộ trưởng Năng lượng UAE cho rằng việc thiếu đầu tư vào ngành dầu mỏ sẽ có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mà các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào. Điều này sẽ cản trở các nước đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng.

Với chủ đề "Gắn kết-hành động-hiệu quả," hội nghị COP28 khai mạc ngày 30/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 12/12. Đây là cơ hội quan trọng để các chính phủ thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)
Link bài gốc Copy link
Nguyễn Hà

Tin cùng chuyên mục