IMF nhận định phục hồi kinh tế hậu COVID-19 vẫn còn nhiều khó khăn

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh trong khi giải pháp y học cho cuộc khủng hoảng hiện nay đã trong tầm với, thì lộ trình phục hồi kinh tế vẫn còn khó khăn và có nguy cơ bị thụt lùi.
IMF nhận định phục hồi kinh tế hậu COVID-19 vẫn còn nhiều khó khăn ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song có những dấu hiệu cho thấy đà phục hồi bị chậm lại do số ca nhiễm tăng lên tại một số nước.

Trong một tuyên bố, bà Georgieva nhấn mạnh trong khi giải pháp y học cho cuộc khủng hoảng hiện nay đã trong tầm với, thì lộ trình phục hồi kinh tế vẫn còn khó khăn và có nguy cơ bị thụt lùi.

Các hãng dược phẩm lớn đều tiến gần tới việc hoàn tất bào chế vắcxin ngừa COVID-19, trong khi tình trạng gia tăng số ca nhiễm trên toàn cầu đang buộc một số nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

[Dịch COVID-19 gây tác động khác nhau đến các nền kinh tế]

Theo bà Georgieva, việc dịch bệnh tái bùng phát là lời nhắc nhở quan trọng rằng phục hồi kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được trừ phi thế giới đánh bại được đại dịch ở mọi nơi.

Do đó, bà kêu gọi các nước hợp tác để đảm bảo nguồn cung vắcxin, xét nghiệm và thuốc điều trị, cũng như tăng cường nỗ lực đa phương trong công tác sản xuất, đặt mua, phân phối, đặc biệt là tại những nước nghèo.

Điều này đồng nghĩa với việc phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại gần đây đối với các hàng hóa và dịch vụ y tế, bao gồm cả rào cản liên quan đến vắcxin.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc IMF cũng kêu gọi các nước phối hợp đánh bại dịch bệnh.

Theo bà Georgieva, việc kết hợp các chính sách quốc gia với các biện pháp chung ở cấp độ toàn cầu sẽ giúp đảm bảo quá trình phục hồi mạnh và bền vững.

Trong giai đoạn trước mắt, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nên hạn chế áp đặt hoặc tăng cường các biện pháp hạn chế thương mại, nhanh chóng dỡ bỏ những biện pháp được áp đặt từ đầu năm đến nay đối với toàn bộ hàng hóa và dịch vụ y tế, hay bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào có liên quan đến sản xuất và phân phối vắcxin.

IMF cũng hối thúc Anh và Liên minh châu Âu (EU) hoàn tất thỏa thuận thương mại nhăm ngăn chặn nguy cơ dẫn đến rào cản thương mại mới khi Anh rút khỏi EU.

Tổ chức này cũng tiếp tục kêu gọi tăng chi tiêu cung để giúp các nước thoát khỏi tình trạng giảm tốc và ổn định lại kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng và chống biến đổi khí hậu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay, trước khi phục hồi ở mức 5,2% trong năm 2021.

Tuy nhiên, bà Georgieva lưu ý rằng tăng trưởng quý 3 tại Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu sẽ tốt hơn dự báo.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 do Saudi Arabia chủ trì kéo dài trong 2 ngày từ ngày 21/11, trong bối cảnh nhiều nước đang phải vật lộn trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, thế giới hiện ghi nhận tổng cộng 56,7 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu ca tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục