IMF nhận định kinh tế Mỹ và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh dù tồn tại tình trạng không chắc chắn và bất ổn trên thị trường, kinh tế Mỹ dường như sẽ không bị suy giảm trong tương lai gần.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: Reuters)

Ngày 6/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh dù tồn tại tình trạng không chắc chắn và bất ổn trên thị trường, kinh tế Mỹ dường như sẽ không bị suy giảm trong tương lai gần.

Trả lời phỏng vấn đài CNBC của Mỹ, bà Lagarde cho hay vẫn còn nhiều nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng của Mỹ, song mối quan ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ suy giảm đang "bị phóng đại." Bà khẳng định không thấy yếu tố dẫn tới tình trạng suy thoái trong ngắn hạn.

[Bức tranh kinh tế Mỹ tiếp tục được tô thêm nhiều mảng sáng]

Người đứng đầu IMF nhận định Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng kìm hãm đà tăng lãi suất, đồng thời từ chối bình luận về chính sách của Fed. Theo bà Lagarde, việc điều chỉnh lãi suất của Fed sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá về tình hình kinh tế trong nước. Trong năm 2018, Fed đã 3 lần tăng lãi suất cơ bản và dự kiến đưa ra động thái tương tự trong cuộc họp diễn ra từ ngày 18-19/12 tới. Tuy nhiên, Fed đã phát đi tín hiệu rằng cơ quan này nhiều khả năng trì hoãn, thậm chí dừng việc nâng lãi suất trong năm 2019 do tăng trưởng kinh tế chững lại.

Khi được hỏi về cuộc chiến thuế giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng Giám đốc Lagarde khẳng định nếu hai bên dừng cuộc đối đầu này ngay bây giờ, những tác động trực tiếp đối với hai nền kinh tế sẽ được giảm thiểu. IMF ước tính cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,8% đến năm 2020.

Bà bày tỏ sự lạc quan về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý trì hoãn áp thuế bổ sung và tiến hành đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Theo bà, khoảng thời gian này là đủ để thiết lập khuôn khổ cho các cuộc thương lượng về thương mại. Tuy nhiên, những vấn đề phức tạp như sở hữu trí tuệ sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu ngày 6/12 chứng kiến hoạt động bán tháo cổ phiếu ồ ạt liên quan đến vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu, động thái làm dấy lên quan ngại làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Chứng khoán tại Frankfurt, London và Paris đều giảm hơn 3% sau khi Bộ Tư pháp Canada cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu. Cuối phiên cùng ngày, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London giảm 3,2% xuống 6.704,05 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 3,5% xuống 10.810,98 điểm, còn chứng khoán CAC 40 tại Paris để mất 3,3% xuống 4.780,46 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 3,3% xuống 3.045,94 điểm.

Phố Wall cùng chung xu hướng bán ra ồ ạt này, cũng để mất 3%, nhưng sau đó đã phục hồi phần nào vào cuối phiên nhờ thông tin cho rằng FED có thể dừng việc nâng lãi suất. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 24.947,67 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 2.695,95 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,4% lên 7.188,26 điểm.

Bộ Tư pháp Canada cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ở thành phố Vancouver  hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ. Bà này đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Phiên tòa bảo lãnh dự kiến được tổ chức vào ngày 7/12./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục