Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/1 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014, song cảnh báo nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ở một số nền kinh tế đang phát triển sẽ làm giảm tốc đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế thế giới vừa công bố, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm nay sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,7%, cao hơn so với mức dự báo tăng 3% đưa ra năm ngoái.
Đây cũng là lần đầu tiên trong gần hai năm qua, IMF điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng tăng lên.
Thể chế này nhận định kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, trong bối cảnh chính phủ các nước đang dần chấm dứt các chính sách "thắt lưng buộc bụng" và hệ thống ngân hàng đã vững chắc hơn.
Theo báo cáo, góp phần đáng kể vào đà phục hồi ấn tượng của kinh tế toàn cầu là các nước phát triển, trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi - được coi là "đòn bẩy" tăng trưởng trong những năm suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2011, buộc phải tái cơ cấu để giải quyết tình trạng dòng vốn chảy mạnh ra bên ngoài và năng lực cạnh tranh suy giảm.
Trong số các nước phát triển, IMF dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 1% và Nhật Bản tăng 1,7%.
Theo IMF, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế phát triển sẽ là động lực cho các nền kinh tế khác, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng giúp Mỹ tăng xuất khẩu.
Đối với những nền kinh tế đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,5%, tiếp đến là Ấn Độ (5,4%), Brazil (2,3%) và Nga (2%).
Tuy nhiên, các chuyên gia IMF cũng đưa ra những dự báo thận trọng về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Theo IMF, ngoại trừ Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng nội địa của các nước đang phát triển vẫn yếu và là thách thức lớn trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu đang dần bị siết chặt.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ bị thắt chặt cũng là một khó khăn đối với các nền kinh tế này.
Trong khi đó, các nước phát triển cũng đều đang vật lộn với tình trạng giảm phát cộng với tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi lạm phát thấp buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục thực hiện các gói kích thích mạnh mẽ.
Thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới cảnh báo các nền kinh tế này, trong đó có cả Mỹ, không nên vội vàng rút lại các gói kích thích hoặc tăng tỷ lệ lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Olivior Blanchard cũng nhấn mạnh tới tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các nền kinh tế.
Theo ông Blanchard, Mỹ tăng trưởng "ngày càng vững chắc," trong khi châu Âu vẫn tăng trưởng yếu và thậm chí là rất yếu ở các nước phía Nam là thành viên Eurozone.
Chuyên gia này cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp "vẫn ở mức khá cao" ở hầu hết các nền kinh tế phát triển./.