IMF: Kinh tế toàn cầu đang chống chọi với “cơn gió ngược”

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đối mặt với “cơn gió ngược”, và kêu gọi các nền kinh tế lớn đồng loạt áp dụng các biện pháp để thúc đẩy kinh tế.
IMF: Kinh tế toàn cầu đang chống chọi với “cơn gió ngược” ảnh 1Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: AFP)

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde vừa cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đối mặt với “cơn gió ngược”, và kêu gọi các nền kinh tế lớn đồng loạt áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để thúc đẩy đà phát triển đang có xu hướng chậm lại.

Phát biểu trong phiên họp của IMF tại thủ đô Washington, bà Christine Lagarde cho rằng việc giá dầu giảm và kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh tạo sức bật cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng chỉ các yếu tố này là chưa đủ để đưa kinh tế toàn cầu trở lại đà phát triển đúng hướng.

Bà Lagarde cũng chỉ ra những trở ngại đối với sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu gồm tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc hay thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài và lạm phát rất thấp ở châu Âu và Nhật Bản.

Người đứng đầu IMF hối thúc các nhà hoạch định chính sách của các nước hãy “có lòng dũng cảm chính trị cần thiết” để áp dụng các biện pháp thúc đẩy kinh tế, đồng thời cắt giảm trợ cấp năng lượng gây phương hại cho ngân sách và kinh tế của một số nước.

Trong bài phát biểu về bản dự báo tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, Tổng Giám đốc IMF Lagarde cho hay mặc dù giá dầu rẻ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng toàn cầu, nhưng nhiều khả năng chỉ có Mỹ là cường quốc kinh tế duy nhất đi ngược lại xu hướng suy yếu trong đầu tư và tiêu dùng.

Theo bà Lagarde, việc giá dầu giảm liên tục trong thời gian gần đây cũng như việc nền kinh tế số một thế giới có đà tăng trưởng tích cực là tín hiệu đáng mừng, nhưng chưa đủ để IMF thực sự lạc quan đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

IMF dự báo Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản sẽ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm kéo dài và lạm phát thấp ở mức nguy hiểm. Trong khi đó, một số nền kinh tế đang phát triển sẽ bắt đầu giảm tốc, dẫn đầu là Trung Quốc.

Ngoài ra, việc giá dầu và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác giảm bắt đầu tạo "áp lực tiền tệ lớn" đối với các nước như Nigeria, Nga và Venezuela.

Theo nữ Tổng giám đốc IMF, bên cạnh việc mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, giá dầu giảm mạnh còn là "cơ hội vàng" để các nước giảm trợ cấp năng lượng và tập trung chi tiêu chính phủ nhiều hơn cho giảm đói nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục