Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/7 dự đoán nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ tăng trưởng hơn 1% trong năm nay trước khi tăng lên 1,5% vào năm 2015.
Sau khi kết thúc Tham vấn điều 4 năm 2014 với Khu vực đồng tiền chung, IMF nhận định sự phục hồi kinh tế của Eurozone đang diễn ra với sản lượng hàng hóa thực tế tăng trong bốn quý liên tiếp, tâm lý thị trường tài chính được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, theo định chế cho vay hàng đầu thế giới, sự phục hồi này "không phải là mạnh và cũng chưa đủ mạnh", nhấn mạnh tới nhu cầu thị trường yếu, lạm phát thấp và các rủi ro tài chính tăng cao ở các nước thành viên vẫn đang phải "vật lộn" với gánh nặng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao kỷ lục.
Sự phục hồi vốn đã mong manh còn bị chi phối bởi các rủi ro bên ngoài, bao gồm suy giảm tăng trưởng tại các thị trường kinh tế mới nổi, tình trạng leo thang các cuộc xung đột địa chính trị và "lối thoát" đột ngột từ các chính sách tiền tệ bất ngờ ở Mỹ.
IMF nhận thấy trong trung hạn nền kinh tế Eurozone có nguy cơ trì trệ, hậu quả của tình trạng nhu cầu tiêu thụ nội khối liên tục sa sút do giảm nợ, hành động chính sách chưa đầy đủ và quá trình cải cách cơ cấu đình trệ.
Ngoài ra, với không gian chính sách bị giới hạn về ngắn hạn cùng với các cú sốc tiêu cực hơn trong nội khối hoặc đến từ bên ngoài, sẽ ngăn cản đà phục hồi và đẩy nền kinh tế Eurozone lâm vào lạm phát thấp hơn, thậm chí là giảm phát. IMF cho biết nếu lạm phát vẫn còn quá thấp ở các nền kinh tế Eurozone, sẽ phải xem xét thực hiện một chương trình mua tài sản quy mô lớn, chủ yếu là các tài sản công.
IMF cũng nhấn mạnh tới sự cấp thiết phải điều chỉnh các bảng kết toán tài sản ngân hàng và giảm thiểu sự manh mún của thị trường tài chính.
Trong khi hỗ trợ chiến lược rộng lớn và thời gian biểu đầy tham vọng để tái cơ cấu vốn ngân hàng, định chế cho vay hàng đầu thế giới này đã nhận thấy sự tích cực đáng khen trong việc Eurozone duy trì sự linh hoạt để tính đến các điều kiện thị trường và những mối lo ngại về ổn định tài chính./.