Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF), Alfred Kammer, ngày 14/4 cho rằng các nền kinh tế châu Âu cần sự hỗ trợ tài chính bổ sung trong năm nay và năm tới để ứng phó với những tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo ông Kammer, đà phục hồi kinh tế của châu Âu đối mặt với nhiều rủi ro hơn do các biến thể của virus SARS-COV-2 gây ra dịch COVID-19 và những chậm trễ trong việc triển khai các chương trình tiêm chủng, điều đang đe dọa kéo dài cuộc khủng hoảng y tế này.
[Làn sóng COVID-19 mới phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của châu Âu]
Ồng nói đà phục hồi kinh tế ở châu Âu vẫn không vững và không đồng đều do các làn sóng lây nhiễm mang tính chu kỳ và tốc độ tiêm chủng chậm. IMF khuyến nghị sự hỗ trợ bổ sung để hạn chế tác động lâu dài đối với hoạt động kinh tế của khu vực.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực mới nhất của IMF được công bố ngày 14/4, kinh tế châu Âu được dự báo tăng trưởng 4,5% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái, trước khi tăng trưởng 3,9% trong năm tới.
Ông Kammer cho rằng các chính phủ vẫn có năng lực tài chính để ứng phó với những cú sốc sắp tới. Ông kêu gọi một nỗ lực mang tính phối hợp càng sớm càng tốt.
Các dự báo của IMF dựa trên giả định vaccine ngừa COVID-19 sẽ được triển khai rộng rãi vào giữa năm nay và ông Kammer nói ưu tiên số một là tăng cường sản xuất vaccine.
IMF cảnh báo đà phục hồi chậm hơn có thể gây ra nhiều tác động trong trung hạn với các nền kinh tế nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Kammer nói điều đó không phải là kêu gọi về một gói chi tiêu lâu dài và thiếu tính toán mà là về các biện pháp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu./.