IMF khuyến cáo Trung Quốc tăng cường ổn định hệ thống tài chính

IMF đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các nguy cơ tài chính, song cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần triển khai thêm nhiều biện pháp nâng cao sự ổn định tài chính.
(Nguồn: Reuters)

Ngày 6/12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát các nguy cơ tài chính, song cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần triển khai thêm nhiều biện pháp để nâng cao sự ổn định tài chính.

Trong tuyên bố đưa ra sau khi công bố báo cáo đánh giá về sự ổn định của hệ thống tài chính của Trung Quốc, IMF cho biết ban giám đốc điều hành của thể chế tài chính này hoan nghênh những bước đi quan trọng mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC- ngân hàng trung ương) và các cơ quan nhà nước đã thực hiện, cũng như công nhận sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã tăng lên 300% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi thị trường cổ phiếu và trái phiếu hiện lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới.

IMF nhận định việc giám sát và quản lý của Trung Quốc đối với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán đều tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, thể chế tài chính này cũng cảnh báo hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng, theo đó hàng chục ngân hàng lớn của nước này cần tăng cường khả năng chống chọi trước những cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

[Trung Quốc sẽ duy trì sự liên tục và ổn định của chính sách tiền tệ]

Cụ thể, IMF cho biết đã tiến hành các bài kiểm tra áp lực đối với hàng chục ngân hàng của Trung Quốc. Kết quả cho thấy 4 ngân hàng lớn của Trung Quốc có số vốn hợp lý song "các ngân hàng lớn, vừa, và các ngân hàng thương mại dường như dễ bị tổn thương."

Ngoài ra, 27 trong tổng số 33 ngân hàng được kiểm tra, chiếm 3/4 tổng tài sản của toàn hệ thống tài chính, không đảm bảo đủ vốn đối với ít nhất một trong những yêu cầu tối thiểu.

Do đó, IMF khuyến cáo các ngân hàng nước này cần huy động thêm vốn để có thể phòng ngừa và ứng phó với những nguy cơ từ nợ xấu.

Ngoài ra, để có thể nâng cao việc giám sát các nguy cơ mang tính hệ thống, IMF cho rằng Trung Quốc cần cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, cũng như thiết lập một ủy ban cấp cao có nhiệm vụ giám sát các nguy cơ.

Ngay sau đánh giá của IMF được công bố, PBOC đã khẳng định sự tin tưởng đối với mức độ ổn định của hệ thống tài chính nước này. Mặc dù nhận định báo cáo của IMF đã công nhận đầy đủ những thành quả mà Trung Quốc đạt được trong việc cải cách kinh tế và tài chính, song PBOC cho biết không đồng tình với một số điểm trong bản báo cáo.

Theo đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng các bài kiểm tra áp lực không phản ánh đầy đủ kết quả đánh giá. Tuy nhiên, PBOC cho biết Trung Quốc sẽ tiếp thu những khuyến cáo của IMF, cũng như sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách khu vực tài chính, triển khai những bước đi cụ thể để kiểm soát các nguy cơ và củng cố sự hợp tác với các tổ chức quốc tế.

IMF bắt đầu tiền hành đánh giá lĩnh vực tài chính của 29 nền kinh tế trên thế giới vào năm 1999. Đây là bản đánh giá thứ 2 mà IMF thực hiện đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc, sau bản báo cáo đầu tiên được công bố hồi năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục