IMF khuyến cáo các thị trường đang nổi ứng phó Mỹ tăng lãi suất

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khuyến cáo các thị trường đang nổi cần tăng khả năng đối phó với tác động tiêu cực khi Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất ngắn hạn.
IMF khuyến cáo các thị trường đang nổi ứng phó Mỹ tăng lãi suất ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde. (Nguồn: AP)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ hai ngày, ngày 17/3, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) Raghuram Rajan và có bài thuyết trình tại trụ sở RBI ở thành phố Mumbai, trong đó bà Lagarde nhấn mạnh các thị trường đang nổi cần chuẩn bị đối phó với tác động của việc Mỹ tăng lãi suất.

Phát biểu tại cuộc gặp Thống đốc RBI, bà Lagarde đánh giá cao thành công của ông Rajan trong điều hành kinh tế Ấn Độ ở thời điểm đồng rupee bị rối loạn, đồng thời khẳng định trong số các thị trường đang nổi thì Ấn Độ là điểm sáng và đang “gặt hái” lợi ích từ các chính sách điều hành tốt.

Trong bài thuyết trình tại trụ sở RBI ở Mumbai, Tổng Giám đốc IMF đề cập chính sách nới lỏng tiền tệ vốn được các nền kinh tế tiên tiến áp dụng từ năm 2007 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách mua những khoản nợ lớn của chính phủ.

Qua đó, bà Lagarde khuyến cáo các thị trường đang nổi, trong đó có Ấn Độ, cần tăng khả năng đối phó với tác động tiêu cực khi Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất ngắn hạn vào cuối năm nay.

Bà Lagarde nhắc lại diễn biến hồi tháng 5-6/2013, thị trường hoang mang khi Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu có dấu hiệu giảm chương trình mua tài sản trị giá hàng tỷ USD để kích thích kinh tế, Ấn Độ cũng như các nền kinh tế mới nổi khác đã bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà đầu tư rút vốn đột ngột khỏi thị trường. Đồng rupee Ấn Độ đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Theo Tổng Giám đốc IMF, cuối năm nay có thể Fed sẽ tăng lãi suất ngắn hạn lần đầu tiên kể từ năm 2006, khởi đầu tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ.

Bà nhận định cho dù tiến trình này đã được chuẩn bị kỹ, sự tổn thương đối với các thị trường tài chính có thể làm tăng nguy cơ bất ổn.

Vì vậy, các nền kinh tế đang nổi, nơi tập trung khoảng 4,5 nghìn tỷ USD đầu tư của nước ngoài và chiếm khoảng 1/2 dòng vốn toàn cầu, cần chuẩn bị ứng phó với những biến động.

Đặc biệt là Ấn Độ, nước nhận khoảng 470 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Trong tuần qua, đồng rupee Ấn Độ đã có xu hướng biến động sau khi có tin Fed có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục