Siết chặt ngân sách, cắt giảm chi tiêu công không thực sự phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế trong bối cảnh tỷ lệ lãi suất tại phần lớn các nước phát triển tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Đây là kết luận mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 3/4 trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới.
Trong báo cáo đưa ra chỉ một tuần trước cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), IMF cho biết tình trạng lãi suất thấp kéo dài bất thường tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã khiến cơ quan này đặt nghi vấn đối với học thuyết thắt chặt chi tiêu của mình.
Theo đó, IMF vẫn luôn kêu gọi các quốc gia thành viên, đặc biệt là những nước nhận hỗ trợ tài chính từ thể chế này như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, hạn chế chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, trong bối cảnh tỷ lệ lãi suất duy trì ở mức thấp, việc các quốc gia vay mượn để chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu công, sẽ không làm tăng nợ công trong trung hạn do lãi suất sẽ thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế.
IMF cũng cảnh báo rằng lãi suất thấp cũng mang lại những hiểm họa tiềm tàng đối với ổn định tài chính do khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm hơn để kiếm lời.
Theo thể chế tài chính gồm 188 thành viên này, lãi suất thị trường đã liên tục giảm kể từ những năm 1980 của thế kỷ trước và hiện tại đã xuống tới mức âm nếu tính thêm tỷ lệ lạm phát.
Theo IMF, tỷ lệ lãi suất trung bình toàn cầu đã giảm từ 5,5% trong thập niên 80 xuống 3,5% trong thập niên 90, sau đó là 2% trong giai đoạn 2001 - 2008 và xấp xỉ dưới 0% trong năm 2012.
Xu thế này tăng tốc trong giai đoạn 2008 - 2009 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhiều ngân hàng trung ương như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0% nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chao đảo.
IMF cũng dự báo tình hình lãi suất thấp sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới và nếu có tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn./.