Ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nước nỗ lực hơn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và các chính phủ không nên kìm hãm đà tăng trưởng bằng biện pháp siết chặt ngân sách quá mức.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tài chính hàng đầu thế giới đang tham dự hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở thủ đô Washington (Mỹ)
Trước thực trạng kinh tế Nhật Bản vẫn chưa bền vững, khu vực đồng euro cận kề nguy cơ suy thoái, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế của IMF nhấn mạnh tập trung thúc đẩy tăng trưởng là vấn đề ưu tiên hiện nay.
IMF đặc biệt bày tỏ sự lo ngại đối với thực trạng kinh tế châu Âu.
Đồng quan điểm với IMF, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho rằng đây là hậu quả từ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Eurozone lại bác bỏ ý kiến của IMF cho rằng khu vực này đang bên bờ vực suy thoái. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng không có lý do nào để nói rằng kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Trước đó, IMF kêu gọi nới lỏng chính sách tài chính song Berlin phản đối việc thay đổi các chỉ tiêu về bội chi ngân sách trong eurozone.
IMF cũng kêu gọi các nước tiến hành các biện pháp cải cách triệt để đối với thị trường lao động và hệ thống an sinh xã hội, giải phóng nguồn tiền để chuyển sang đầu tư cho phát triển hạ tầng nhằm tạo thêm việc làm và kích thích tăng trưởng.
Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế của IMF - Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu hiện nay là phải tránh được các rủi ro trong tương lai. Ủy ban cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương cần thận trọng khi thực thi các thay đổi về chính sách nhằm tránh gây ra các cú sốc trên thị trường tài chính.
Giới phân tích đánh giá dường như lời kêu gọi này là dành cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Fed đang được đồn đoán giữa năm 2015, sẽ nâng lãi suất hiện ở mức gần 0%, bước đi đầu tiên trong kế hoạch chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng được thực thi trong suốt thời gian qua để hỗ trợ hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, đại diện của Mỹ cho biết sự trì trệ của kinh tế toàn cầu có thể khiến nước này trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất.
Cùng ngày, cuộc họp của Ủy ban phát triển đã ra thông cáo chung cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu sẽ tiến hành các nỗ lực phối hợp nhằm đối phó với các rủi ro như dịch bệnh Ebola, chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho hạ tầng. Ủy ban nhất trí cần thực thi các hành động kịp thời hơn để đối phó với dịch bệnh Ebola và thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu với các nước nghèo.
Đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu, WB đã nhận được sự ủng hộ của 74 chính phủ, chiếm 54% lượng khí thải thế giới, đối với việc thực thi cơ chế mua bán khí phát thải. Ngoài ra, WB cũng dự kiến sẽ thay đổi cách thức hoạt động theo chiều hướng hiệu quả hơn. Ủy ban Phát triển gồm 25 bộ trưởng tài chính và phát triển, đại diện cho 188 thành viên của WB và IMF./.