IMF kêu gọi cải cách điều khoản trong mua trái phiếu chính phủ

Lời kêu gọi của IMF được đưa ra trong bối cảnh Argentina rơi vào tình thế khó khăn sau khi một tòa án Mỹ ra phán quyết can thiệp hoạt động thanh toán nợ trái phiếu của nước này.
IMF kêu gọi cải cách điều khoản trong mua trái phiếu chính phủ ảnh 1Ban lãnh đạo IMF trong một cuộc họp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi cải cách các điều khoản liên quan đến các thỏa thuận mua trái phiếu chính phủ.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Argentina rơi vào tình thế khó khăn sau khi một tòa án Mỹ ra phán quyết can thiệp hoạt động thanh toán nợ trái phiếu của nước này.

IMF đề nghị sửa đổi điều khoản “thanh toán bình đẳng” và siết chặt điều khoản “ứng xử tương đồng.''

Báo cáo của thể chế tài chính trên cho rằng hai quỹ đầu tư Mỹ trong số 7% số chủ nợ không đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Argentina đã lợi dụng điều khoản “thanh toán bình đẳng” (pari passu) trong hợp đồng mua trái phiếu để khởi kiện đòi Buenos Aires phải thanh toán 100% giá trị ghi trên công trái bất chấp trước đó họ đã mua số trái phiếu này với giá thấp hơn nhiều.

Khi xét xử vụ kiện, tòa án ở New York cũng căn cứ vào điều khoản này để đưa ra phán quyết có lợi cho các quỹ đầu tư, theo đó cấm Argentina trả nợ cho các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu nếu chưa thanh toán đủ 100% số tiền ghi trên công trái cho hai quỹ đầu tư của Mỹ.

Phán quyết này đã đẩy Argentina rơi vào một tình thế khó khăn vì nước này không thể trả nợ cho 93% chủ nợ chấp nhận tái cơ cấu, những chủ nợ đã đồng ý sẽ chỉ được thanh toán 30% giá trị so với giá trị được ghi trên trái phiếu. Trong khi đó, Argentina cũng không thể thanh toán 100% giá trị ghi trên trái phiếu cho 7% chủ nợ còn lại vì điều này có thể khiến các chủ nợ tham gia chương trình tái cơ cấu khởi kiện việc “đối xử bất bình đẳng.''

Ngoài ra, IMF cũng đề xuất siết chặt điều khoản “ứng xử tương đồng” (collective action clauses) nhằm đảm bảo đa số các chủ nợ có thể quyết định cách thức thanh toán nợ mà không bị thiểu số các chủ nợ còn lại cản trở tiến trình này.

Theo thể chế này, tất cả các serie công trái của một quốc gia nên được gộp vào một đợt biểu quyết tái cơ cấu duy nhất thay vì tiến hành nhiều đợt biểu quyết tái cơ cấu riêng lẻ theo từng serie công trái.

IMF là thể chế tài chính từng đóng vai trò quan trọng trong chương trình tái cơ cấu nợ của Hy Lạp để khôi phục nền kinh tế quốc gia này sau cú sốc vỡ nợ năm 2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục