IMF kêu gọi các nước giải quyết bất đồng thương mại

Tổng Giám đốc IMF kêu gọi các nền kinh tế trên thế giới giảm leo thang căng thẳng và giải quyết bất đồng thương mại trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ít sáng sủa hơn.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã kêu gọi các nền kinh tế trên thế giới giảm leo thang căng thẳng và giải quyết bất đồng thương mại trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ít sáng sủa hơn.

Trong bài phát biểu ngày 1/10 tại Washington (Mỹ) trước thềm hội nghị thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) - dự kiến diễn ra ở Indonesia vào tuần sau, bà Lagarde nói: "Tháng Bảy vừa qua, chúng tôi đã dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,9% trong năm nay và năm 2019. Tuy nhiên, từ thời điểm đó, triển vọng này đã mờ nhạt hơn, và điều này sẽ được thể hiện rõ ràng trong dự báo cập nhật công bố vào tuần tới."

Tổng Giám đốc Lagarde cảnh báo những bất đồng thương mại hiện nay, nếu tiếp tục leo thang, có thể tạo ra cú sốc lớn đối với một loạt các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Bà khẳng định: "Thông điệp của tôi ngày hôm nay là sự nhắc nhở cần thiết để chúng ta kiểm soát những nguy cơ, tăng cường cải cách và hiện đại hóa hệ thống đa phương."

[Bất đồng thương mại khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu u ám]

Theo bà Lagarde, việc kêu gọi các nước hợp tác xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu mạnh mẽ hơn, công bằng hơn là phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai. Bà cho rằng sự phá vỡ các chuỗi giá trị toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến nhiều nước, trong đó có cả các nền kinh tế phát triển, và thậm chí có thể cản trở các nước có thu nhập thấp và mới nổi vươn lên bằng tiềm năng của họ.

Tổng Giám đốc Lagrde khuyến khích các nước tận dụng các thỏa thuận thương mại một cách linh hoạt nhằm khai tác tối đa các ngành dịch vụ thương mại và thương mại điện tử nhiều tiềm năng như kỹ thuật, thông tin liên lạc và vận tải.

Bà Lagarde nói: "Những phân tích mới nhất của chúng tôi cho thấy việc giảm bớt 15% chi phí thương mại đối với các ngành dịch vụ, có thể giúp tăng được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thêm 350 tỷ USD trong năm nay." Bà khẳng định: "Lợi ích sẽ có trong tầm tay nếu chúng ta biết hợp tác và tập trung tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục