Làn sóng người tị nạn từ Trung Đông tràn vào châu Âu sẽ giúp kinh tế của lục địa này tăng trưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những ảnh hưởng lâu dài sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của các nước trong hòa nhập cộng đồng dân cư mới này.
Ngày 20/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định việc mở cửa thị trường việc làm cho người tị nạn sẽ giúp các nước giảm thiểu nguy cơ người tị nạn trở thành gánh nặng đối với ngân sách quốc gia trong tương lai.
Nghiên cứu với tiêu đề “Làn sóng người tị nạn tại châu Âu: Những thách thức kinh tế” khẳng định việc nhanh chóng hòa nhập thị trường lao động sẽ khơi thông các lợi ích kinh tế của từ làn sóng người tị nạn.
Ngoài ra, các nỗ lực này cũng sẽ giúp giảm thái độ kỳ thị người tị nạn, đồng thời tạo điều kiện cho phép cộng đồng này đóng góp vào quỹ tài chính công trong thời gian dài.
Các chuyên gia IMF dự báo nền kinh tế của các quốc gia tiếp nhận người tị nạn sẽ tăng trưởng trung bình 0,1% do chi phí công tăng để hỗ trợ cộng đồng này. Tuy nhiên, trong thời gian dài, ảnh hưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào tốc độ người tị nạn hòa nhập vào thị trường lao động.
Nghiên cứu cũng ghi nhận sự lo lắng gia tăng tại châu Âu về việc người tị nạn sẽ lấy mất việc làm của người bản địa, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang đà gia tăng hiện nay.
Các tác giả nghiên cứu khẳng định những ảnh hưởng không lớn như lo ngại do sự chênh lệnh trình độ lao động. Ngoài ra, khi quy mô lực lượng lao động tăng, đầu tư cũng sẽ gia tăng kéo theo tăng số việc làm.
IMF nhận định các nước cần nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế và rào cản đối với người nhập cư, tạo việc làm cho họ trong thời gian chờ đợi để được cấp chế tị nạn, trợ cấp người sử dụng lao động nhập cư và đưa ra các ngoại lệ về mức lương tối thiểu. Một đề xuất khác là cho phép người tị nạn được di chuyển giữa các khu vực để tìm kiếm cơ hội việc làm cao hơn.
Với nội dung tập trung vào vấn đề kinh tế, nghiên cứu sẽ được trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ tuần này./.