IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020 vì dịch COVID-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ suy giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia.
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020 vì dịch COVID-19 ảnh 1Logo của Quỹ tiền tệ quốc tế tại trụ sở ở Washington DC., Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ suy giảm 2,2% trong năm nay, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ suy giảm 1,6% trong năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Jonathan D.Ostry, quyền Giám đốc bộ phận khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho biết báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực mới nhất của IMF cho thấy nền kinh tế khu vực bắt đầu phục hồi trong quý III, mặc dù sức mạnh của các động lực tăng trưởng tại các nước trong khu vực không đồng đều. Điều này dẫn tới việc các quốc gia ghi nhận tốc độ phục hồi kinh tế khác nhau.

[IMF: Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 không nghiêm trọng như dự báo]

Theo ông Ostry, các nền kinh tế phát triển gồm Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand, vẫn trong đợt suy thoái, được đánh giá sẽ phục hồi tích cực hơn so với dự báo sau khi thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Trung Quốc, vốn là quốc gia hứng chịu tác động của dịch COVID-19 sớm nhất, cũng đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt trong quý đầu tiên của năm, với mức tăng trưởng dự báo là 1,9% trong năm nay.

Đây được xem là "một con số tích cực hiếm hoi" trong bức tranh kinh tế khu vực với nhiều gam màu xám.

Đối với năm 2021, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ bật trở lại và đạt mức 6,9%. Tuy nhiên, ngay cả với tốc độ tăng trưởng này, sản lượng của toàn khu vực trong năm 2021 vẫn sẽ thấp hơn mức dự báo được IMF đưa ra trước đại dịch.

Ông Ostry nêu rõ với sự sụt giảm của lực lượng lao động và đầu tư tư nhân, sản lượng tiềm năng của toàn khu vực vào giữa thập kỷ có thể thấp hơn 5% so với trước đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục