Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia xuống 4,8% năm 2021 và 6% năm 2022. Trước đó, cơ quan này nhận định rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ sụt giảm 1,5% trong năm 2020 trước khi bật tăng trở lại ở mức 6,1% trong năm nay.
Báo cáo của IMF đánh giá: "Triển vọng tăng trưởng vẫn khá tích cực. Căn cứ vào sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2020, GDP thực tế của Indonesia dự kiến sẽ tăng 4,8% năm 2021 và 6% năm 2022, được dẫn dắt bởi các biện pháp hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, trong đó có kế hoạch phân phối vắcxin ngừa COVID-19 cũng như sự cải thiện các điều kiện kinh tế và tài chính toàn cầu."
Theo IMF, những sự không chắc chắn xung quanh triển vọng tăng trưởng của Indonesia vẫn nhiều hơn bình thường. Chiến dịch tiêm chủng sớm trên diện rộng là rủi ro bề mặt, song việc chậm trễ triển khai có thể khiến đại dịch kéo dài hơn. Đại dịch có thể gây ra nhiều hệ quả tài chính vĩ mô và suy thoái kinh tế lớn hơn dự kiến và các điều kiện tín dụng chưa thể được cải thiện.
IMF cho rằng để đảm bảo quá trình phục hồi đang diễn ra, một sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách sẽ là điều cần thiết. Do đó, sự kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp trong năm 2021 là điều rất đáng hoan nghênh. Trong trung hạn, việc khôi phục khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô bị đình chỉ tạm thời hồi năm ngoái giữa đại dịch sẽ khiến giới chức Indonesia thêm thận trọng.
[Indonesia ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử]
Tiếp đó, một chiến lược tài khóa chi tiết được hỗ trợ bởi những biện pháp tăng thu ngân sách sẽ giúp quản lý hành động cân bằng. Bên cạnh đó, IMF cho rằng Indonesia cần duy trì một số hạng mục chi khẩn cấp từ năm 2020 nhằm ứng phó với đại dịch và tái phân bổ các nguồn lực ngân sách năm 2021 với mục đích tăng chi cho các hạng mục có nhiều tác động, đặc biệt là đầu tư công.
IMF đánh giá rằng việc theo đuổi chính sách tiền tệ theo hướng duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp và cho phép Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) trực tiếp mua trái phiếu chính phủ là phù hợp trong thời điểm hiện nay.
IMF cũng cho rằng hệ thống ngân hàng Indonesia hiện vẫn ổn định nhờ các can thiệp chính sách mạnh mẽ và kịp thời. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro cho vay một cách thích hợp sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với khả năng xử lý các rủi ro về chất lượng tài sản đang gia tăng.
Theo IMF, hiện giới chức Indonesia đang chuẩn bị một loạt các biện pháp chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay của các ngân hàng, nhất là tín dụng dành cho những doanh nghiệp nhà nước. Cũng theo IMF, các biện pháp trên có thể được bổ trợ bằng những chính sách khác trong trường hợp tín dụng không phục hồi như mong đợi.
Trong khi đó, dự luật Omnibus trong lĩnh vực tài chính sẽ giúp giải quyết các thách thức và cung cấp nền tảng pháp lý nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Theo IMF, đạo luật Omnibus về tạo việc làm cần giúp giảm bớt các trở ngại đối với hoạt động đầu tư tạo việc làm mới và tăng năng suất. Việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ giúp củng cố những lợi ích này cho Indonesia.
Cuối cùng, IMF cho rằng các chính sách chủ động của Indonesia nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu cần nhấn mạnh hơn tới kinh tế xanh. Song song với đó, Indonesia cần đạt nhiều tiến bộ hơn nữa trong việc giám sát và thực thi các kế hoạch thích ứng nhằm tăng cường khả năng chống chịu do quốc gia này thường xuyên phải đối mặt với các thảm họa thiên tai./.