IMF: Gói cứu trợ COVID-19 của Mỹ thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng

IMF cho rằng gói cứu trợ COVID-19 sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ từ 5-6% trong 3 năm tới, ngoài ra nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ.
Người phát ngôn IMF Gerry Rice. (Nguồn: IMF)
Người phát ngôn IMF Gerry Rice. (Nguồn: IMF)

Gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật, đã nhận được sự hoan nghênh khi vừa thúc đẩy được tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách cần cảnh báo trước những nguy cơ được tạo ra từ việc chi tiêu quá lớn những như lãi suất thấp.

Theo tính toán sơ bộ của IMF, ngoài việc bơm vào nền kinh tế đang bị tác động nặng nề từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, gói cứu trợ còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trợ cấp thất nghiệp cho tới tháng Chín cùng khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ bắt đầu từ đầu tháng này.

Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho rằng gói cứu trợ COVID-19 này sẽ thúc đẩy GDP của Mỹ từ 5-6% trong 3 năm tới.

Ngoài ra, nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

[Tổng thống Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD]

Ông Gerry nói: "Chúng ta sẽ được chứng kiến những tín hiệu tích cực đáng kể về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hầu hết các quốc gia sẽ đều hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ mạnh hơn... vì vậy điều này sẽ giúp cả tăng trưởng và phục hồi của kinh tế toàn cầu."

Tuy nhiên, ông Gerry cảnh báo rằng với các mức lãi suất thấp, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cần đề phòng sự thay đổi đột ngột của chi phí đi vay.

Đó là mối quan tâm ngày càng nhiều đối với thị trường tài chính trong những tuần gần đây khi các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được tăng tốc mang lại hy vọng phục hồi nhanh chóng, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng có thể kích hoạt một vòng xoáy lạm phát sẽ buộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Cùng ngày, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành gói kích thích kinh tế mới.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 88,57 điểm, hay 0,58%, lên 32.485,59 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 40,53 điểm, hay 1,04%, lên 3.939,34 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 329,84 điểm, hay 2,52%, lên 13.398,67 điểm.

8 trong 11 lĩnh vực chủ chốt của chỉ số S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh, trong đó lĩnh vực công nghệ tăng mạnh nhất, với 2,12%. Lĩnh vực tài chính giảm mạnh nhất, với 0,28%.

Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ tăng, với toàn bộ 10 cổ phiếu dẫn đầu trong chỉ số S&P U.S. Listed China 50 đều đi lên.

Về tình hình nền kinh tế, số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức 712.000 trong tuần kết thúc ngày 6/3, giảm 42.000 so với tuần trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục