IMF: Đức phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng trong thời gian dài

Nước Đức đang phải đối mặt với một mùa Đông đầy khó khăn, nhưng mùa Đông năm 2023 có thể sẽ còn tồi tệ hơn và cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không nhanh chóng qua đi.
IMF: Đức phải vật lộn với khủng hoảng năng lượng trong thời gian dài ảnh 1Trạm bơm Gascade and Deutsche ReGas cung cấp khí hoá lỏng cho đường ống dẫn OGE ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên truyền thông Đức ngày 17/10, bà Gita Gopinath, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng Đức sẽ còn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng trong một thời gian dài.

Theo bà Gita Gopinath, nước Đức đang phải đối mặt với một mùa Đông đầy khó khăn, nhưng mùa Đông năm 2023 có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ không nhanh chóng qua đi, giá năng lượng sẽ còn cao trong thời gian dài.

Đánh giá về những khó khăn đối với nền kinh tế Đức, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của IMF cho rằng Đức bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, nước Đức đang cảm nhận rõ tác động của những cú sốc này.

Các doanh nghiệp đã phải vật lộn với chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19, lại tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí năng lượng tăng một cách phi mã trong nhiều tháng. Do đó, theo bà Gita Gopinath, nước Đức cần đẩy nhanh hơn nữa việc mở rộng năng lượng tái tạo, đồng thời cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ các quốc gia khác.

[Kho dự trữ khí đốt của Đức được lấp đầy sớm hơn dự kiến]

Trước những khó khăn hiện tại, tuần trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Đức, theo đó cùng với Italy, nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, tăng trưởng được dự báo ở mức âm 0,3%.

Bà Gita Gopinath cũng đề cao chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ, tuân thủ quy định "phanh" nợ của Chính phủ Đức.

Theo bà Gita Gopinath, lạm phát của nền kinh tế Đức đang ở mức cao nhất trong nhiều thập niên, do đó cần phải nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tăng lãi suất, nhưng chính sách tài chính cũng phải góp phần thực hiện mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục