IMF dự báo nợ của Ai Cập cao nhất trong các thị trường mới nổi

Báo cáo dự báo tỷ lệ tổng nợ trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Ai Cập sẽ đạt 92,7% - mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình trong tài khóa 2023-2024.
IMF dự báo nợ của Ai Cập cao nhất trong các thị trường mới nổi ảnh 1Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng nợ của Ai Cập trong năm tài chính 2023-2024 tăng cao do một số yếu tố, trong đó có khoản chi cho việc trả lãi suất hiện ở mức cao và dự kiến sẽ còn leo thang trong những năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, nhận định trên được ông Ruud De Mooij - Phó Giám đốc Vụ Tài chính của IMF đưa ra trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Giám sát Tài khóa, bên lề Hội nghị mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), được tổ chức tại thành phố Marrakech (Maroc) từ ngày 9 đến 15/10.

Báo cáo dự báo tỷ lệ tổng nợ trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Ai Cập sẽ đạt 92,7% - mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình trong tài khóa 2023-2024.

[Ai Cập phát hành thành công trái phiếu Hồi giáo sukuk lần đầu tiên]

Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là mức tổng nợ chính phủ cao nhất của Ai Cập, sau tỷ lệ gần 98% ghi nhận năm 2017.

Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng con số này sẽ giảm xuống còn 88,1% vào năm 2024 và 76,4% vào năm 2028.

Theo ông De Mooij, thâm hụt ngân sách cao của Ai Cập cũng là một điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông cũng cho biết quốc gia Bắc Phi này có các chỉ số tích cực về số dư cơ bản không bao gồm lãi suất.

Báo cáo dự đoán cán cân ngân sách sơ cấp của Ai Cập sẽ ở mức cao nhất trong 9 năm - 2,3% GDP vào năm 2023, trước khi giảm trong giai đoạn 2023-2027 và tăng trở lại 2,3% vào năm 2028.

Ông De Mooij đề xuất một số biện pháp mà Ai Cập cần thực hiện, bao gồm huy động nguồn thu thông qua việc thiết lập các giải pháp thuế mới. Ví dụ, có những cơ hội về thuế giá trị gia tăng và việc hợp lý hóa các khoản miễn thuế mà Ai Cập đang áp dụng.

Vào tháng Sáu vừa qua, nội các Ai Cập đã bãi bỏ việc miễn thuế cho các thực thể nhà nước và doanh nghiệp công, nhằm tạo bình đẳng giữa khu vực công và tư nhân, đồng thời mở rộng quyền tiếp cận các ngành công nghiệp mới tại các khu chế xuất.

Đây là một phần trong chiến lược do Ai Cập thực hiện nhằm tạo dựng sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân trong nền kinh tế quốc gia.

Ông De Mooij cho biết việc bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước Ai Cập cho các nhà đầu tư tiềm năng đang tiến triển, theo đó có thể giảm mức nợ nước ngoài.

Nhằm đạt được khoản vay theo Cơ chế Quỹ Mở rộng (EFF) của IMF, Ai Cập đã cam kết đảm bảo 5 tỷ USD từ việc bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước theo chương trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục