Ngày 30/11, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết cơ quan này nhận thấy việc Trung Quốc điều chỉnh dần và an toàn chính sách "Không COVID" (Zero COVID) có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng cao hơn vào năm 2023.
Theo người phát ngôn IMF, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 có mục tiêu hơn, hướng tới việc tiếp tục điều chỉnh dần và an toàn chiến lược liên quan đến COVID-19.
Quan chức IMF đánh giá đại dịch COVID-19 và các hạn chế liên quan đến dịch bệnh sẽ gây khó khăn đối với người dân.
Các đợt bùng phát mới tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong ngắn hạn, song việc điều chỉnh chính sách phòng, chống COVID-19 có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm sau. Điều này cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.
Người phát ngôn IMF đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh trước đó cùng ngày, chính quyền thành phố Quảng Châu và Trùng Khánh của Trung Quốc đã quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Ngày 29/11, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva để ngỏ khả năng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cho rằng dịch bệnh COVID-19 kéo dài và các vấn đề của ngành bất động sản đã gây ra những rủi ro liên tục đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
[Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro]
Trước đó, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 3,2% trong năm 2022 và tăng lên 4,4% trong năm 2023.
Theo giới chuyên gia, bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể tác động tới nền kinh tế thế giới.
IMF dự báo hơn 33% số nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Lạm phát hiện nay được dự báo là có thể kéo dài hơn, tuy nhiên, năm 2023 có thể từng bước giảm xuống mức 6,5%.
Dự kiến, Giám đốc chiến lược của IMF Ceyla Pazarbasioglu tới Trung Quốc vào tuần tới để họp với các quan chức cấp cao của nước này trong bối cảnh IMF tiếp tục thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nợ nhanh hơn cho các quốc gia có nhu cầu./.