IMF dọa sẽ xóa bỏ gần một nửa quyền lực bỏ phiếu của Mỹ

Nếu Quốc hội Mỹ vẫn từ chối thông qua chương trình cải tổ của IMF, quyền lực bỏ phiếu của Washington tại cơ quan này có thể giảm từ 17,7% xuống còn 9,8%.
IMF dọa sẽ xóa bỏ gần một nửa quyền lực bỏ phiếu của Mỹ ảnh 1Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde. (Nguồn: Usatoday.com)

Việc Quốc hội Mỹ liên tục từ chối phê chuẩn chương trình cải tổ tổng thể của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang buộc tổ chức cho vay đa phương lớn nhất thế giới này chuyển hướng sang các phương án khác, trong đó có một đề xuất đe dọa xóa bỏ gần một nửa quyền lực bỏ phiếu của Washington.

Hãng tin Pháp AFP ngày 24/3 đưa tin các cuộc thảo luận về "Kế hoạch B" cho chương trình cải tổ của IMF được khởi động xuất phát từ sự mất kiên nhẫn đối với việc Quốc hội Mỹ trong một thời gian dài không thể thông qua kế hoạch cải tổ 2010 do Nhà Trắng bảo trợ.

Đại diện của Brazil tại IMF Paulo Nogueira Batista cho biết "Kế hoạch B" do Brazil đề xuất sẽ tách rời 2 nội dung của chương trình cải tổ 2010 để cho phép IMF tiến hành cải tổ mà không cần chờ đợi quyết định từ Quốc hội Mỹ.

Theo ông Batista, việc gắn kết hai nội dung này với nhau là không cần thiết do mỗi nội dung theo đuổi một mục tiêu riêng biệt và hoàn toàn có thể tiến hành độc lập.

Theo phương án trên, IMF trước hết sẽ tiến hành công tác tái cơ cấu quyền lực như kế hoạch đặt ra hồi 2010 bằng việc trao cho các quốc gia đang phát triển nhiều ghế hơn trong Hội đồng quản trị. Đây là nội dung đã được Nhà Trắng chấp thuận song là nguyên nhân khiến chương trình cải tổ hiện vẫn "mắc kẹt" tại Quốc hội Mỹ. Sau đó, việc gia tăng ngân quỹ sẽ được tiến hành độc lập với nguồn thu từ các thành viên đồng ý tăng hạn ngạch đóng góp cho IMF.

Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến vị thế vượt trội của Mỹ tại tổ chức tài chính đa phương này do hạn ngạch đóng góp quyết định quyền bỏ phiếu của một quốc gia tại IMF.

Nếu Quốc hội Mỹ vẫn từ chối thông qua chương trình cải tổ, quyền lực bỏ phiếu của Washington tại cơ quan này có thể giảm từ 17,7% xuống còn 9,8%. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền phủ quyết của nền kinh tế lớn nhất thế giới đối với các sáng kiến quan trọng, bởi vì các nội dung quan trọng cần nhận được 85% đồng thuận để được thông qua tại IMF.

Tuy nhiên, ông Batista cho biết Mỹ và IMF có thể thỏa thuận để Quốc hội có thời gian cân nhắc và quyết định về vấn đề đóng góp tài chính.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch đóng góp 63 tỷ USD cho IMF để triển khai chương trình cải tổ tổng thể của tổ chức này với mục tiêu củng cố ảnh hưởng của Mỹ tại tổ chức tài chính đa phương lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch cải tổ vẫn đang "mắt kẹt" tại Đồi Capitol. Trong khi đó, tất cả các nước thành viên còn lại của IMF đều đã thông qua kế hoạch này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục