IMF đề xuất kế hoạch chấm dứt đại dịch trị giá 50 tỷ USD

Kế hoạch hướng tới một sự phục hồi bền vững trong dài hạn của kinh tế toàn cầu và tiếp đến là mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 60% dân số thế giới vào cuối năm 2022.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề xuất kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, với mục tiêu có thể tiêm vaccine phòng căn bệnh nguy hiểm này cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và mục tiêu xa hơn cho năm tiếp theo.

Phát biểu ngày 21/5 tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu, đang diễn ra tại Rome (Italy), Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, nêu rõ kế hoạch của tổ chức này bao gồm các mục tiêu, ước tính tài chính cũng như đưa ra các hành động thực tế.

Kế hoạch này hướng tới một sự phục hồi bền vững trong dài hạn của kinh tế toàn cầu và tiếp đến là mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 60% dân số thế giới vào cuối năm 2022.

Kế hoạch lưu ý tới một thực tế đã được thế giới thừa nhận là nếu cuộc khủng hoảng y tế hiện nay không kết thúc thì các nước sẽ không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng về kinh tế. Do đó, cần chấm dứt đại dịch vì lợi ích của thế giới.

Cũng theo Tổng Giám đốc Georgieva, IMF đã cảnh báo về sự chệch hướng nguy hiểm của nền kinh tế và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu khoảng cách tiêm phòng COVID-19 giữa các nước giàu và nước nghèo ngày một lớn.

Thống kê cho thấy sự chênh lệch rõ về số người được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại các châu lục.

Tính đến cuối tháng Tư vừa qua, chưa đầy 2% dân số châu Phi được tiêm chủng, trong khi hơn 40% người dân Mỹ và hơn 20% người dân châu Âu đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

IMF đang ưu tiên thu hẹp khoảng cách tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đưa thế giới trở lại con đường tăng trưởng, với mục tiêu cơ bản là kiểm soát đại dịch vì lợi ích của tất cả người dân trên thế giới.

Để đạt được điều này, IMF nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các khoản hỗ trợ cho COVAX - chương trình phân phối vaccine toàn cầu, nhằm hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận với vaccine.

Theo IMF, khoản 50 tỷ USD mà tổ chức này đưa ra bao gồm 35 tỷ USD viện trợ cùng với nguồn lực từ các chính phủ và nguồn tài trợ khác.

Cũng tại hội nghị, ba công ty sản xuất vaccine lớn đã cam kết cung cấp 3,5 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp trong năm 2021-2022. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết chia sẻ ít nhất 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 khác nhau cho đến cuối năm nay.

Hiện giới chức Pháp cũng đang vận động các nước châu Âu tăng cường việc chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển, cũng như phê phán việc cấm xuất khẩu vaccine.

[EU có kế hoạch chia sẻ ít nhất 100 triệu liều vaccine cho nước nghèo]

Phát biểu tham dự hội nghị trực tuyến từ thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trong ba năm tới, nước này sẽ hỗ trợ 3 tỷ USD cho các nước đang phát triển phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như đề xuất thiết lập một diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine.

Ông cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp hơn 280 tỷ chiếc khẩu trang, 3,4 tỷ bộ đồ bảo hộ y tế và 4 triệu bộ xét nghiệm cho thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cung cấp vaccine miễn phí cho hơn 80 quốc gia đang phát triển có nhu cầu khẩn cấp và xuất khẩu vaccine cho 43 nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc cải thiện cơ chế đánh giá đối với các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như cải cách hơn nữa giá cả các dịch vụ y tế.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng thế giới sẽ cần có thêm nhiều đợt tiêm chủng hơn trong tương lai và việc tăng cường sản xuất là điều cần thiết, do đó, cần dỡ bỏ mọi rào cản về quyền sở hữu trí tuệ vaccine.

Nhà lãnh đạo Italy nêu rõ nước này ủng hộ ý tưởng bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine COVID-19, nhưng có giới hạn về thời gian và không gây rủi ro cho các hãng dược phẩm. Tuy nhiên, đề xuất này không đảm bảo rằng các quốc gia có thu nhập thấp có thể tự sản xuất vaccine.

Ngoài ra, Italy cũng đánh giá cao sáng kiến của Ủy ban châu Âu (EC) về việc sản xuất vaccine và các sản phẩm y tế ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Italy muốn các công ty được phẩm và các trung tâm nghiên cứu của nước này tham gia hỗ trợ sản xuất, đặc biệt tại châu Phi.

Theo Thủ tướng Draghi, Italy sẽ triển khai hoạt động này cùng với các đối tác khác như Pháp và Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục