IMF đạt thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho Ukraine hơn 1 tỷ USD

Ukraine đang chi khoảng 60% tổng ngân sách cho quân đội và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ tài chính từ các đối tác phương Tây để trả lương hưu và tiền lương cho công chức và chi tiêu xã hội.

Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngôi nhà bị phá hủy do xung đột tại Kramatorsk, Ukraine, ngày 14/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Ukraine về việc cung cấp cho quốc gia Đông Âu khoản hỗ trợ tài chính khoảng 1,1 tỷ USD.

Thỏa thuận này đạt được sau các cuộc đàm phán mà Ukraine cho là "khó khăn" và phải được Ban điều hành IMF thông qua.

Trong khi đó, IMF cho biết Ban điều hành IMF sẽ xem xét thông qua thỏa thuận này trong vài tuần tới.

Người đứng đầu phái đoàn giám sát của IMF Gavin Gray, người đã tới Ukraine để đánh giá chương trình cho vay, cho rằng cuộc xung đột đang tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động của đất nước cũng như người dân quốc gia này.

Việc hoạch định chính sách khéo léo, khả năng thích ứng của các hộ gia đình và doanh nghiệp, cùng nguồn tài chính hỗ trợ từ bên ngoài đã giúp Ukraine phần nào ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, IMF cho rằng rủi ro đối với Ukraine "vẫn ở mức cao bất thường" khi nền kinh tế dự kiến sẽ suy thoái do tác động của cuộc xung đột với Nga.

Ukraine đang chi khoảng 60% tổng ngân sách cho quân đội và phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ tài chính từ các đối tác phương Tây để trả lương hưu và tiền lương cho công chức và chi tiêu xã hội.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Ukraine, nước này đã nhận được khoảng 98 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ các đối tác phương Tây kể từ khi xảy ra xung đột với Nga hồi tháng 2/2022.

IMF là tổ chức cho vay quốc tế quan trọng đối với Ukraine và chương trình kéo dài bốn năm trị giá 15,6 tỷ USD của IMF là một phần quan trọng trong gói hỗ trợ kinh tế toàn cầu lớn hơn dành cho Kiev khi nước này đang chuẩn bị cho mùa Đông thứ ba kể từ khi xảy ra xung đột.

IMF hối thúc Chính phủ Ukraine tôn trọng các yêu cầu trong thỏa thuận tài chính và mục tiêu bền vững về nợ trong ngân sách năm 2025, đồng thời tìm cách tăng nguồn thu trong nước.

Chính phủ Ukraine từng thông báo có kế hoạch tăng thuế và đã thực hiện các biện pháp tài chính khác như tăng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ukraine cũng đã giành được thỏa thuận với các chủ nợ để tái cấu trúc và giảm nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục