IMF đánh giá cao biện pháp của Việt Nam nhằm giảm tác động từ đại dịch

IMF dự báo với đà phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023.
IMF đánh giá cao biện pháp của Việt Nam nhằm giảm tác động từ đại dịch ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao việc các nhà chức trách Việt Nam đã áp dụng các chính sách để giảm bớt tác động của đại dịch trong lúc vẫn duy trì một cách thành công sự ổn định ngân sách, năng lực trả nợ quốc tế và ổn định tài chính, đồng thời triển khai chiến dịch tiêm chủng ấn tượng.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong thông cáo báo chí mà Văn phòng Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF ở Tokyo gửi cho phóng viên TTXVN sau cuộc tham vấn thường niên gần đây giữa Ban Điều hành IMF và Chính phủ Việt Nam.

Theo đánh giá của Ban Điều hành IMF, đà phục hồi kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam, với doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số lượng doanh nghiệp thành lập mới đều đang tăng. IMF dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023 trong bối cảnh hoạt động bình thường hóa vẫn đang tiếp tục và Việt Nam thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế (PRD).

[Kinh tế-xã hội cả nước 6 tháng: Nhiều điểm sáng, khởi sắc ấn tượng]

Tuy nhiên, theo Ban Điều hành IMF, sự phục hồi của thị trường lao động ở Việt Nam vẫn còn chậm do tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao. Mặc dù lạm phát đang tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa tăng và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, nhưng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn thấp hơn nhiều so với trần lạm phát của ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh đó, Ban Điều hành IMF kêu gọi Việt Nam hoạch định chính sách một cách linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với đà phục hồi và sự xuất hiện của các rủi ro. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa và khuyến nghị Việt Nam điều chỉnh chính sách tài khóa một cách linh hoạt sao cho phù hợp với các điều kiện kinh tế đang phát sinh. Họ hoan nghênh PRD và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu, hiệu quả chi tiêu và kiên định thực hiện chương trình này.

Bên cạnh đó, Ban Điều hành IMF cho rằng chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và cảnh giác với các rủi ro lạm phát. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các khoản vay có vấn đề, bình thường hóa các quy định về giãn nợ một cách kịp thời và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản.

Mặt khác, Ban Điều hành IMF cũng hoan nghênh các bước đi gần đây của Việt Nam hướng tới sự linh hoạt hơn về tỷ giá hối đoái và hiện đại hóa chính sách tiền tệ, đồng thời khuyến khích các nỗ lực tiếp tục theo hướng này.

Ngoài ra, Ban Điều hành cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Họ cũng đánh giá cao chương trình nghị sự đầy tham vọng về môi trường của Việt Nam và kêu gọi chuyển các mục tiêu thành các hành động chính sách cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục