Ngày 3/4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ, cảnh báo có thể xảy ra cuộc suy thoái với mức độ nghiêm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung trực tuyến với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.
[Các nước đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch]
Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã chịu ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng này.
90 tỷ USD tiền đầu tư đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, lớn hơn nhiều so với mức thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập niên trước. Một số nước cũng điêu đứng vì giá hàng hóa giảm mạnh.
Theo bà Georgieva, IMF đang cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra kêu gọi đối với Trung Quốc và các nước chủ nợ khác dừng thu hồi nợ của các nước nghèo trong ít nhất là một năm cho đến khi đại dịch lắng xuống.
Bà cho biết Trung Quốc đã cho thấy thiện chí trong vấn đề này và IMF sẽ đưa ra một đề xuất cụ thể trong những tuần tới với các nước chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và WB tại các hội nghị mùa Xuân sẽ diễn ra trực tuyến trong khoảng hai tuần.
Trong khi đó, Chủ tịch WB David Malpass cũng nhắc lại đánh giá cho rằng sau những tác động về y tế, đại dịch COVID-19 sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.
Ông nói việc dừng thanh toán nợ có thể bắt đầu từ ngày 1/5, giúp các nước nghèo có thêm thanh khoản để chiến đấu chống đại dịch và trong giai đoạn giãn nợ, WB và IMF có thể đánh giá tính bền vững về nợ của các nước này và sự cần thiết phải giảm nợ từ phía các chủ nợ chính.
Hơn 90 quốc gia, chiếm gần một nửa trong tổng số 189 nước thành viên IMF, đã đề nghị viện trợ khẩn cấp từ tổ chức này để ứng phó với đại dịch.
IMF và WHO đã kêu gọi sử dụng viện trợ khẩn cấp chủ yếu để tăng cường các hệ thống y tế, trả lương cho y, bác sỹ và để mua thiết bị bảo hộ.
Bà Georgieva cho biết IMF sẵn sàng sử dụng quỹ dự phòng chiến tranh 1.000 tỷ USD nếu cần./.